Tuyển sinh đại học năm 2020: Nhiều thay đổi
Do tác động từ dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh của các trường đại học trên địa bàn tỉnh thay đổi không ít. Và điểm đáng mừng là các đơn vị tuyển sinh đều khá phấn khởi.
Nhiều bổ sung phút áp chót
Thông tin Trường ĐH Quang Trung tuyển sinh ngành Điều dưỡng đến khá chậm so với những ngành khác. Dù vậy, trong 13 ngành tuyển sinh, ngành này lại có mức điểm xét tuyển cao nhất - 19 điểm, những ngành còn lại 15 điểm, trừ ngành Công nghệ thông tin có điểm xét tuyển là 16.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Trưởng Khoa Y tế công cộng và Điều dưỡng, Trường ĐH Quang Trung, chia sẻ: Để chuẩn bị cho ngành Điều dưỡng, trường đầu tư xây dựng chương trình đào tạo - hệ thống thực hành mới, hiện đại, bổ sung đội ngũ giảng dạy giàu uy tín, kinh nghiệm. Ngoài ra sinh viên còn được thực hành tại nhiều bệnh viện lớn ở tỉnh Bình Định như: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Phong - Da Liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Quân y 13, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Quy Nhơn và nhiều bệnh viện khác. Đồng thời, trường đã ký kết hợp tác với một số đối tác ở Đức, Nhật, Phần Lan tạo cơ hội cho các cử nhân điều dưỡng muốn ra nước ngoài làm việc. Hơn nữa, trường và BVĐK Medlatec (Hà Nội) đã ký kết chương trình hợp tác chuyên sâu. Theo đó, BVĐK Medlatec sẽ mở chi nhánh tại Bình Định và nhận sinh viên năm thứ 1 được đào tạo tại Trường ĐH Quang Trung vào thực tập. Đến năm cuối, Medlatec sẽ tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở 1 năm thực tập chuyên sâu tại Hà Nội và sau đó bố trí việc làm tại địa phương với mức lương cao, nhiều ưu đãi cho những sinh viên có nhu cầu.
Sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn nhập học đợt 1.
Cùng tâm trạng phấn khởi như ĐH Quang Trung, Trường ĐH Quy Nhơn được Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm gấp 3 lần năm ngoái với 2.065 chỉ tiêu, đồng thời, ngoài việc được miễn học phí, mỗi sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ 3,36 triệu đồng/tháng. TS Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Quy Nhơn), chia sẻ: Tuy chỉ tiêu ngành Sư phạm tăng và sinh viên được nhiều hỗ trợ nhưng thông tin này lại ra quá chậm, khi các em đã nộp hồ sơ rồi. Bên cạnh đó, tuy nói là hỗ trợ 3,36 triệu đồng/tháng/sinh viên nhưng lại chưa có hướng dẫn nơi nào sẽ hỗ trợ các em. Nếu do tỉnh nơi sinh viên thường trú hỗ trợ, tỉnh phải đặt hàng như thế nào để các em ra trường có việc làm chứ nếu không xin được việc theo quy định các em phải hoàn trả học phí.
Một số thay đổi
Vào kỳ tuyển sinh mới, để thu hút sinh viên, đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH Quang Trung mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành mới. Nếu như Trường ĐH Quang Trung đang trong giai đoạn phục hồi nên cần nhiều thời gian tuyển sinh thì Trường ĐH Quy Nhơn chỉ có 2 đợt tuyển sinh. Ở đợt tuyển sinh lần 1 (theo phương thức xét học bạ), trường đã có 3.372 thí sinh làm thủ tục nhập học.
TS Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết thêm: “Vài năm trở lại đây, nhà trường đã mở thêm một số chuyên ngành mới, như: Toán ứng dụng, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ thực phẩm… thu hút nhiều sinh viên vào học. Nếu như năm trước, việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT được thực hiện trước, sau đó mới xét tuyển kết quả học bạ THPT thì năm nay, theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc xét tuyển thực hiện ngược lại. Hiện một số ngành sư phạm Toán, Ngữ văn, Giáo dục tiểu học đã được giảng dạy tại trường sau khi đã có sinh viên vào học thông qua xét tuyển kết quả học bạ THPT”.
Đặc biệt, năm nay Trường ĐH Quy Nhơn mở thêm một số chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành Báo chí (ngành Văn học) với thời gian đào tạo 4 năm. Tổng số học phần ngành Văn học gồm 135 tín chỉ (chưa bao gồm 3 tín chỉ Giáo dục thể chất và 9 tín chỉ Giáo dục quốc phòng - An ninh); trong đó, có 24 tín chỉ khối kiến thức giáo dục đại cương, 111 tín chỉ khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (55% tín chỉ Văn học, 45% tín chỉ báo chí).
Việc Trường ĐH Quy Nhơn mở thêm chuyên ngành Báo chí trong ngành Văn học là nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhưng ngành đào tạo vẫn là Văn học, kiến thức nền vẫn là Văn học. Mục tiêu mở thêm chuyên ngành Báo chí kết hợp giữa Văn học và Báo chí là nhằm tạo ra nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực Văn học nhưng có thể công tác trên lĩnh vực quản lý báo chí, khác với việc đào tạo ra phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp.
Theo TS Võ Minh Hải, Trưởng bộ môn thì: “Hiện, tại khoa KHXH&NV của trường đã có sẵn đội ngũ giảng viên là tiến sĩ về ngôn ngữ, ngữ văn cơ bản đáp ứng công tác giảng dạy. Riêng đối với các học phần nghiệp vụ Báo chí, nhà trường sẽ mời một số nhà báo hỗ trợ làm giảng viên thỉnh giảng trong thời gian đầu. Trong tương lai, nhà trường tuyển thêm nhiều tiến sĩ chuyên ngành Báo chí, cử cán bộ đi học chuyên ngành Báo chí và Truyền thông; đồng thời liên kết với các cơ sở đào tạo chuyên về báo chí nhằm giúp những sinh viên muốn trở thành nhà báo, hoạt động trong môi trường báo chí chuyên nghiệp”.
THẢO KHUY - NGỌC NHUẬN