Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh tiếp tục được nâng chất, đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đến năm 2020 là 56%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX.
Nâng cấp chuyên môn
Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh đã xác định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói riêng là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH và được cụ thể hóa bằng hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Các cấp, các trường, trung tâm có chức năng đào tạo nhân lực trên địa bàn tỉnh đã tập trung cho nhiệm vụ đào tạo, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp trong giai đoạn năm 2011 - 2019 được thực hiện cho hơn 213.400 người. Trong đó, trình độ cao đẳng hơn 11.500 người, trung cấp trên 11.300 người, sơ cấp gần 126.900 người... Riêng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo từ năm 2010 đến năm 2020 ước đạt gần 36.800 người. Để tăng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng giáo trình phù hợp với đối tượng học nghề, mời giáo viên thỉnh giảng, mời nghệ nhân tham gia vào quá trình “cầm tay chỉ việc”, truyền đạt nghề.
Trường ĐH Quy Nhơn ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TMA Solutions. Ảnh: Trường ĐH Quy Nhơn cung cấp.
Bên cạnh đó, các đơn vị giáo dục đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp nhu cầu và quy hoạch phát triển nhân lực đơn vị và địa phương. Trường ĐH Quy Nhơn lựa chọn đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý có uy tín, trình độ chuyên môn để tham gia thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; triển khai thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trường đã hoàn thành tự đánh giá 3 chương trình đào tạo các ngành: Sư phạm Toán, sư phạm Hóa và kỹ thuật điện trong năm học 2019 - 2020.
Đội ngũ giáo viên các trường nghề trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cấp. Giáo viên của 3 nghề trình độ quốc tế: Cơ điện tử, điện tử công nghiệp (thuộc Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), công nghệ sinh học (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) được đào tạo, tập huấn kỹ năng giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề tại Học viện Chisholm (Australia). Các “sân chơi” cấp trường, cấp tỉnh và quốc gia như: Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm... mở ra cơ hội để các giáo viên tự rèn giũa, nâng cao năng lực của chính mình.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tham gia tranh tài nghề Robot di động tại kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 (diễn ra từ cuối tháng 9 đến ngày 10.10).
Trường CĐ Y tế Bình Định phát triển chương trình đào tạo có chất lượng, có tính ứng dụng thực tiễn, xây dựng các chương trình nghề trọng điểm, tiến tới hoàn thành mục tiêu trường nghề chất lượng cao. Trường ĐH Quy Nhơn mở 3 ngành mới và đưa vào đề án tuyển sinh năm 2020: Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, công nghệ thực phẩm, khoa học vật liệu.
“Trường CĐ Bình Định đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt triển khai đào tạo 5 nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, gồm: Hướng dẫn du lịch (nghề trọng điểm cấp quốc tế), quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn (nghề trọng điểm cấp ASEAN), chế biến và bảo quản thủy sản, nghệ thuật biểu diễn dân ca (nghề trọng điểm cấp Quốc gia)”, ông Lê Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định cho biết thêm.
Mở rộng liên kết, hợp tác
Mở rộng liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế là một trong các xu hướng nổi bật những năm qua của các trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vừa qua, Trường ĐH Quy Nhơn ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TMA Solutions về tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng thực tập sinh, nhân sự, thực hiện các đề tài - dự án nghiên cứu liên quan lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành toán ứng dụng. Trước đó, Trường đã làm việc với GS Kim Yong Soo (Trường ĐH Hanyang, Hàn Quốc) về tài trợ học bổng nghiên cứu sinh; làm việc với đoàn công tác TP Izumisano (Nhật Bản) về khả năng hợp tác đào tạo nhân lực giữa hai bên...
Còn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn hoàn thành đào tạo 2 lớp nghề trọng điểm quốc tế theo chương trình chuyển giao của Học viện Chisholm (Australia); ký kết hợp tác với Trường CĐ IRPC - Thái Lan trong trao đổi cán bộ, giáo viên và sinh viên giữa hai trường; giao lưu với ĐH Han Yang (Hàn Quốc); được Tổ chức KOICA (Hàn Quốc) hỗ trợ tình nguyện viên, tài chính trong đào tạo...
Bà Võ Thị Tuyết Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho hay: “Trường chú trọng gắn kết với các địa phương, DN trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề. Hiện, Trường đã ký kết hợp tác với hơn 20 DN trong, ngoài tỉnh để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập tại DN với thời lượng 4 - 10 tháng. Một số DN như Công ty CP Phụ kiện và nhà thép Nhất, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất... đã ký thỏa thuận với nhà trường tiếp nhận 100% sinh viên tốt nghiệp 2 ngành điện công nghiệp và cơ khí vào làm việc với mức lương ban đầu trên 7 triệu đồng”.
NGUYỄN MUỘI