PGS.TS Nguyễn Ðình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Quy Nhơn:
Ðể thành công từ khâu đột phá về nhân lực
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định cần tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá, đây là tìm tòi, sáng tạo mới, có ý nghĩa và giá trị lớn lao, với kỳ vọng vươn lên sự thành công của tỉnh.
Một trong 3 khâu đột phá là “đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”.
PGS.TS Nguyễn Đình Hiền đóng góp ý kiến cho Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Ảnh: MAI LÂM
Có thể thấy, thời gian qua GD&ĐT được đổi mới; quy mô, chất lượng được nâng cao; các cơ sở GD&ĐT được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả; chính sách đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao được kịp thời quan tâm; GD&ĐT trên địa bàn đã đóng góp rất lớn nguồn nhân lực cho tỉnh... Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ở một số trường, trung tâm chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn có mặt hạn chế; cơ cấu lao động dịch chuyển chậm phân bố giữa các ngành, vùng, địa phương chưa hợp lý…
Để thực hiện có hiệu quả khâu đột phá này, theo chúng tôi cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD&ĐT; tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi mọi mặt phát triển các trường ĐH, CĐ trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ của tỉnh. Trong đó, cần phát huy vai trò đầu tàu của Trường ĐH Quy Nhơn về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống thí nghiệm, thực hành chất lượng cao...
Đồng thời, cần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh theo hướng tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học. Chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý… Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh và nhu cầu xã hội như: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chú trọng đào tạo công nhân lành nghề bậc cao cho các khu công nghiệp, lao động có tay nghề cao cho các ngành dịch vụ và lao động xuất khẩu; quan tâm đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa dạy nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Chúng tôi nghĩ rằng, để KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, lớn mạnh, đúng định hướng thì cần phải huy động mọi nguồn lực và khẳng định vai trò chủ thể của nhân dân, của nguồn nhân lực. Theo đó, việc tập trung đột phá đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh là rất cần thiết và cấp bách; đòi hỏi sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự nỗ lực, trách nhiệm của chính ngành GD&ĐT. Đây là việc làm nhằm phát huy “nội lực nhân lực” của con người Bình Định kết nối từ truyền thống đến hiện đại với những phẩm chất tốt đẹp, để vùng đất “hiếu học” kết nối với “đất võ, trời văn”.
NGỌC TÚ (Ghi)