Khởi sắc nông thôn mới
Nhờ sự chung sức đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống chính trị, từ năm 2016 đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn mới, cùng 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khí thế ấy đang được các địa phương phát huy để đến cuối năm 2020 có thêm một đơn vị cấp huyện và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều đã xây dựng chương trình hành động cụ thể, áp dụng triệt để phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, tạo sự thống nhất từ ý chí đến hành động.
Nhờ sự đóng góp của người dân, TX Hoài Nhơn đã thảm nhựa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.
KHỞI ĐẦU MẠNH MẼ
Từ đó các phong trào thi đua: Hiến đất, góp công để xây dựng cơ sở hạ tầng; XDNTM, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Gia đình 5 không, 5 sạch; Nhà sạch, vườn đẹp; Tổ tự quản về bảo vệ môi trường; Thắp sáng đường quê... được nhân dân đồng tình ủng hộ. Khi người dân vững niềm tin thì họ không tiếc công, không băn khoăn các khoản đóng góp.
Từ năm 2016 đến đầu năm 2020, tỉnh Bình Định đã có 3 đơn vị cấp huyện là TP Quy Nhơn, TX Hoài Nhơn và TX An Nhơn đã hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn NTM; có 49 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 77/121 xã.
Biết địa phương cần đất để mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn, ông Nguyễn Hoài Phong, ở khu phố Tài Lương 4, phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn đã không do dự, hiến 100 m2 đất vườn, 200 m2 đất ruộng đang canh tác, chặt bỏ 8 cây dừa đang cho quả, với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Ông Phong còn tuyên truyền, vận động người dân địa phương hiến 5.000 m2 đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương. “Bây giờ, đường làng, ngõ xóm rộng rãi, thoáng đãng, đi lại thuận lợi, đất đai cũng có giá hơn, mình cũng được hưởng lợi”, ông Phong sảng khoái nói.
Đưa tôi đến thăm những làng quê ven biển đang ngày càng khởi sắc, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương bày tỏ: Hoài Nhơn thực hiện Chương trình XDNTM theo nguyên tắc: Nội dung nào dễ, ít vốn thì làm trước; không đầu tư dàn trải, công việc theo thứ tự ưu tiên; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cùng với nhân dân xắn tay vào việc. Phong trào XDNTM lan tỏa rộng khắp. Nhờ vậy, năm 2018 Hoài Nhơn đã đạt chuẩn NTM, sớm 2 năm so với kế hoạch, tạo tiền đề vững chắc để TX Hoài Nhơn phát triển.
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn và các địa phương khác cũng đã huy động nguồn lực, trong đó xác định người dân là chủ thể trong việc thực hiện các tiêu chí NTM. Con số hơn 1.232 tỷ đồng mà các DN, HTX và cộng đồng dân cư đóng góp để thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2016 - 2020 là minh chứng về tình yêu quê hương, tinh thần tự lực, tự cường trong XDNTM ở Bình Định. Từ các nguồn vốn huy động được, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp 8.000 km đường giao thông nông thôn và 2.228 km kênh mương nội đồng bằng bê tông xi măng, phục vụ tốt việc đi lại, sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các công trình trường học, trạm y tế, khu văn hóa, thể thao cũng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao dân trí và thể chất cho người dân.
Cơ sở hạ tầng nhiều vùng nông thôn huyện Tuy Phước hoàn thiện, các loại hình dịch vụ kinh doanh nhà hàng, văn hóa, giải trí nở rộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
- Trong ảnh: Một góc xã Phước Sơn.
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các địa phương đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của địa phương. Nhiều giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cụ thể hóa bằng hành động cụ thể. Đến các vùng nông thôn trong tỉnh hiện nay, dễ dàng nhận thấy cơ sở hạ tầng khang trang, nhiều khu dân cư với những ngôi nhà cao tầng mọc san sát. Các loại hình dịch vụ kinh doanh nhà hàng, văn hóa, giải trí nở rộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Làng quê khởi sắc, đồng nghĩa với đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG
Chủ trương đúng đắn và sức lan tỏa mạnh mẽ cùng với cách làm sáng tạo, tự tin là tiền đề để tỉnh ta thực hiện mục tiêu của Chương trình XDNTM năm 2020 và những năm tiếp theo. Riêng trong năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tuy Phước đạt chuẩn huyện NTM và 8 xã tại các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh và An Lão đạt chuẩn NTM.
Theo ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM của tỉnh - huyện Tuy Phước và các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM năm 2020 hiện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM. Các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn cũng đang quyết tâm đẩy mạnh thực hiện chương trình quan trọng này, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng lúa thôn Vạn Định, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ. Ảnh: Trang TTĐT huyện Phù Mỹ
Thực hiện tốt Chương trình XDNTM sẽ thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, bởi vậy mà đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM của tỉnh - đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân trong tỉnh tiếp tục xác định XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài và không có điểm dừng. Thực hiện XDNTM gắn với mục tiêu phát triển KT-XH bền vững, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đồng chí chỉ đạo: “Cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong XDNTM, xác định NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững. Tiếp tục phát huy sức mạnh sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các phong trào thi đua yêu nước. Duy trì, giữ vững các tiêu chí NTM và tập trung thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tăng cường công tác giám sát và thực hiện vai trò phản biện xã hội của MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện XDNTM. Thường xuyên phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về XDNTM; kịp thời khuyến khích, động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào XDNTM. Tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các đô thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nâng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”.
MINH HẰNG