Ðột phá kỹ thuật, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Tạo đột phá trong phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu; thành công trên lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm; đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế… là những dấu ấn của ngành Y tế trong trong công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2015 - 2020.
Tiếp cận và làm chủ kỹ thuật mới
Giữa tháng 12.2019, BVĐK tỉnh đón em bé đầu tiên chào đời thành công bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai ngay tại Bình Định, cũng đồng thời đặt dấu ấn cho thành công làm chủ kỹ thuật của các bác sĩ BVĐK tỉnh. Kỹ thuật này do Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao từ tháng 5.2018.
Giữa tháng 12.2019, em bé đầu tiên thành công bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chào đời ngay tại BVĐK tỉnh, do Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao kỹ thuật.
Phẫu thuật nội soi, đặc biệt phẫu thuật nội soi nhi là dạng phẫu thuật khó khăn, phức tạp; nhưng vài năm gần đây phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý ngoại khoa trong ổ bụng trẻ em đã được các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) triển khai thường quy. “Phẫu thuật này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhi và gia đình của trẻ, cơ bản giải quyết tốt các bệnh lý ngoại khoa trong ổ bụng trẻ em, không phải chuyển lên tuyến trên tốn kém. Các quy trình phẫu thuật cũng được đúc kết để dễ triển khai cho các đơn vị khác”, bác sĩ Trưởng khoa Phạm Văn Phú chia sẻ.
Đầu tư nhân lực và trang thiết bị y tế, nhất là hỗ trợ từ dự án JICA (Nhật Bản) gần 500 tỷ đồng đầu tư thiết bị hiện đại đã tạo nền tảng quan trọng để BVĐK tỉnh triển khai các kỹ thuật cao mang tính đồng bộ, hiệu quả. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Bảo Dũng cho hay: Hơn 92% kỹ thuật theo phân tuyến bệnh viện hạng I được triển khai tại BVĐK tỉnh. Chúng tôi còn làm chủ nhiều kỹ thuật cao của tuyến Trung ương trên nhiều lĩnh vực. Về nội khoa, bệnh viện phát triển mạnh về can thiệp, điển hình như can thiệp mạch não trong điều trị đột quỵ, điều trị lấy huyết khối qua đường động mạch, nút mạch hóa chất điều trị ung thư gan, u xơ tử cung; nội soi can thiệp cầm máu, thắt tĩnh mạch thực quản giãn, nội soi phế quản... Ngoại - sản khoa thành công với phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật nội soi; ứng dụng vi phẫu trong thần kinh cột sống, phẫu thuật bắt vít qua cuống cột sống thắt lưng qua da, can thiệp tối thiểu vỡ phình mạch não qua đường mổ trên cung mày; phát triển phẫu thuật nội soi ở bệnh nhi và người lớn; phẫu thuật ung thư phụ khoa, tái tạo tuyến vú... Nhiều ca bệnh phức tạp, hiểm nghèo đã được điều trị khỏi với chi phí hợp lý, không phải chuyển tuyến trên.
BVĐK tỉnh làm chủ nhiều kỹ thuật cao của tuyến Trung ương, đặc biệt lĩnh vực nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, điều trị, phẫu thuật nhiều ca bệnh phức tạp với chi phí hợp lý, không phải chuyển tuyến trên.
Ngoài BVĐK tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh, TTYT tuyến huyện cũng đã tích cực triển khai ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong khám, điều trị.
Với hỗ trợ nguồn lực của Tổ chức Orbis, năm 2018, Bệnh viện Mắt Bình Định tạo dựng thành công “thương hiệu” khoa Mắt trẻ em - là một trong 5 bệnh viện mắt ở Việt Nam triển khai được (cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế). Giám đốc Bệnh viện Mắt Nguyễn Thanh Triết nhấn mạnh: “Với khoa Mắt trẻ em, chúng tôi giải quyết điều trị cho hơn 60.000 trẻ, phẫu thuật 1.650 trẻ mắc các bệnh lý về mắt. Bệnh viện còn phối hợp BVĐK tỉnh triển khai sàng lọc, điều trị bệnh võng mạc trẻ sơ sinh đẻ non tại khoa Nhi sơ sinh - kỹ thuật cao chỉ được triển khai tại tuyến Trung ương, giúp nhiều trẻ thoát khỏi cảnh mù lòa và giảm hàng tỷ đồng chi phí mỗi năm”.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định: “Với những thành công đó, vị thế của ngành Y tế tỉnh đang ngày càng được tô đậm trên “bản đồ” y tế cả nước, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân”.
“Dấu son” trong phòng, chống dịch bệnh
5 năm qua, ngành Y tế Bình Định hoàn thành và vượt các chỉ tiêu do Bộ Y tế, HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao. Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 91,6%; mức giảm tỷ suất sinh đạt 0,15‰; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế…
Công tác y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh được chú trọng và tăng cường, nhiều dịch bệnh được kịp thời xử lý ngăn chặn, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong; giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia y tế - dân số và các chương trình, dự án y tế khác được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
“Dấu son” trong phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế trong 5 năm qua là thành công ngăn chặn dịch Covid-19.
- Trong ảnh: Lực lượng y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đối với thuyền viên tàu hàng nước ngoài tại phao số 0.
Đặc biệt, năm 2020 đặt “dấu son” cho ngành y tế tỉnh khi kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, lây nhiễm nhanh. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, lấy phòng dịch là ưu tiên, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đặc biệt tuyến đầu chống dịch là những “chiến sĩ áo trắng”. Đến nay, tỉnh ta vẫn kiểm soát tốt dịch, chưa ghi nhận ca bệnh. “Ngành y tế đã huy động lực lượng lớn nhân viên y tế và triển khai những biện pháp “chưa từng có tiền lệ” để quyết giữ mặt trận này”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Xây dựng nền y tế thông minh
5 năm qua cũng đánh dấu sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất cho ngành Y tế, với các cơ sở y tế được cải tạo, xây dựng ngày càng khang trang; trang thiết bị y tế hiện đại và thiết yếu tiếp tục được bổ sung phù hợp từng tuyến. Đặc biệt, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh: “Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Y tế tỉnh xác định triển khai thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin. Ðiều này đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với “ba trụ cột” chính là: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh, để người dân được hưởng lợi tốt nhất từ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe”.
Đến nay, phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh tại tất cả cơ sở y tế từ tỉnh đến xã được kết nối, và liên thông với cổng giám định của BHXH Việt Nam; các ứng dụng phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, tăng huyết áp, tiêm chủng… được triển khai. Hơn 95% dân số trong tỉnh được quản lý hồ sơ “sức khỏe điện tử”.
Quan trọng hơn, ngành đã bước đầu thực hiện “bệnh án điện tử” tại TTYT TX An Nhơn, để tiến tới mở rộng cho BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn. “Triển khai từ tháng 4.2019, đến nay, bên cạnh hồ sơ giấy, TTYT TX An Nhơn đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả khoa nội trú, ngoại trú, đồng thời lưu trữ thông tin khám chữa bệnh của người bệnh trên cả hệ thống bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Chúng tôi đã cơ bản đạt các tiêu chí và yêu cầu của bệnh án điện tử; đồng thời phấn đấu cho mục tiêu xây dựng “bệnh viện số”” - bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, thông tin.
MAI HOÀNG