Những điểm sáng của giáo dục Bình Ðịnh
5 năm qua, giáo dục Bình Ðịnh có thêm nhiều điểm sáng, hoạt động dạy - học, khuyến học có nhiều kết quả đáng mừng, chất lượng dạy và học được nâng cao...
Thực hiện Nghị quyết số 28/2013/NQ-HÐND của HÐND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) đến năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, học sinh không còn phải học ca 3, không đi quá xa đến lớp và không còn phòng học nhờ, học tạm. Đây là điều kiện để các trường tập trung xây dựng cảnh quan trường học, môi trường thân thiện.
Những niềm vui mới
Bà Nguyễn Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Xã Mỹ Hiệp có đến 16 thôn, tương ứng mỗi thôn là một điểm trường, trước đây trẻ phải học nhờ ở trụ sở thôn, trường tiểu học. Sau khi sáp nhập, trường chỉ còn 1 điểm chính và 2 điểm lẻ; cả 3 điểm đều được đầu tư, mở rộng như nhau, phòng học rộng thoáng, có các khu vui chơi, trải nghiệm. Ngoài ra trẻ còn được làm quen với tiếng Anh, học bán trú, được theo dõi phát triển cân nặng, chiều cao. 5 năm thôi mà mọi thứ đã tốt lên rất nhiều.
Mô hình thư viện thân thiện Room to read được nhân rộng trong tỉnh, giúp học sinh ham thích đọc sách.
Song song việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, ngành Giáo dục còn thực hiện nhiều hoạt động, đề án, chuyên đề như: Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng thư viện tiên tiến, thư viện thân thiện ở các trường; thành lập Trường THPT chuyên Chu Văn An; tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT… Mỗi đề án, hoạt động đều nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo, học đi đôi với hành.
Theo đó, giáo dục từ bậc mầm non đến THPT đều đã có những thay đổi rõ rệt. Trẻ ra lớp nhiều hơn, vui thích đến trường, tự tin giao tiếp, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng ở mầm non giảm dần. Ở cấp tiểu học, ngành Giáo dục tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên… để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến nay, 100% trường tiểu học đủ cơ sở vật chất để dạy 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, trường có thư viện thân thiện, thư viện tiên tiến giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách. Ở cấp trung học, không còn chỉ học lý thuyết suông, nhiều trường đã có những hoạt động thực hành, nghiên cứu. Không chỉ chọn học sinh giỏi để hướng dẫn đề tài, nhiều trường mở các CLB, cuộc thi về ý tưởng và nhận xét từng ý tưởng của các em. Ông Nguyễn Quang Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn), chia sẻ: Nhà trường tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT cấp trường để học sinh và giáo viên chủ nhiệm các lớp đều tham gia. Tùy theo độ tuổi, khối lớp mà cuộc thi có nội dung khác nhau. Sau đó chúng tôi chọn ra những ý tưởng tốt để tiếp tục phát triển.
Trẻ được chăm sóc trong môi trường tốt hơn khi thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận xét: “Những kết quả đạt được cho thấy những năm qua Bình Định rất chú trọng giáo dục. Từ hệ thống trường lớp ở miền núi, vùng khó khăn rất khang trang đến việc thực hiện các đề án, chương trình đều rất tốt”.
Khuyến học lan tỏa mọi miền
Để ngăn dòng học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh miền núi và ven biển, TX Hoài Nhơn triển khai đề án “Hạn chế học sinh bỏ học” và thu được kết quả rõ nét. Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT TX Hoài Nhơn, cho biết: Khi thực hiện đề án, các trường đều phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, phường, thôn, ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt giáo viên chủ nhiệm phải hiểu rõ tình hình từng em để giúp đỡ, ngăn ngừa bỏ học từ sớm. Hơn nữa, một số trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý giúp đỡ các em.
Không chỉ vậy, một số ngư dân còn có cách khuyến khích, động viên con em học tập theo cách riêng. Lão ngư Bùi Thanh Ninh (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn), chia sẻ: Tôi có 3 đứa con đều cho ăn học đàng hoàng. Đứa nào cũng học rất tốt. Không chỉ con tôi, những anh em làm với tôi cũng vậy, tôi thường xuyên động viên họ cho con học hành đến nơi đến chốn. Học hành bài bản kế nghiệp biển cũng vững tay hơn. Đến năm học, tôi cho anh em nhận tiền trước để lo học phí cho con em. Khi các cháu đi học, tôi cũng tặng chút quà động viên để các cháu cố gắng, nỗ lực.
Trường Tiểu học Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh tổ chức dạy chương trình VNEN từ năm học 2013 - 2014, giúp học sinh tự tin, dạn dĩ hơn.
Cũng vậy, với những gia đình khó khăn, có lẽ học tập tốt là con đường đơn giản nhất để thoát cái nghèo. Nghĩ điều này, ông Đinh Sơn, ở làng Giọt 2 (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) cố gắng vượt qua sự chật vật cơm áo để lo cho 4 con học hành. Gia đình ông nổi tiếng trong cộng đồng người Bana về tinh thần hiếu học.
Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, học sinh còn gặp nhiều khó khăn, một số tình nguyện viên ở đây đã thành lập CLB Tiếp sức đến trường. Hàng năm, CLB quyên góp dụng cụ học tập, sách vở, quần áo, học bổng để giúp đỡ các em. Chị Trần Bích Quỳnh, thành viên CLB, chia sẻ: Đời sống miền núi còn nhiều khó khăn, cha mẹ các em cũng không thể quan tâm nhiều hơn, do vậy các em còn nhiều thiếu thốn. Chúng tôi một mặt giúp đỡ, một mặt động viên. Chúng tôi tìm hiểu từng hoàn cảnh để nói chuyện với học sinh, phụ huynh cho phù hợp.
Chị Đinh Thị Thươn, một thành viên khác của CLB, chia sẻ thêm: Những em học không tốt, chúng tôi sẽ tư vấn cho em học nghề để dễ có việc làm. Những em học tốt, chúng tôi định hướng ngành học phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội. Riết rồi không chỉ hỗ trợ mà chúng tôi còn tự tìm hiểu xu hướng ngành nghề để tư vấn, đồng hành với các em nơi đây. Công việc chúng tôi làm thật sự không nhiều so với những khó khăn của các em nhưng hy vọng qua đó các em có thêm động lực để bước tiếp.
THẢO KHUY