Từ Đại hội đến Đại hội
Mỗi kỳ Ðại hội Ðảng bộ tỉnh là một sự kiện trọng đại đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Nhân dịp Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XX, Báo Bình Ðịnh xin giới thiệu khái quát về 19 kỳ đại hội đã qua của Ðảng bộ tỉnh.
Đại hội lần thứ I
Đại hội họp ngày 22.1.1947 tại thị tứ Bình Định (nay là phường Bình Định, TX An Nhơn).
Đại hội quyết định nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh công tác động viên chính trị, làm cho Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thấy rõ tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước và địa phương. Tiếp tục xây dựng và củng cố chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các lực lượng vũ trang địa phương ngày càng vững mạnh. Chuẩn bị mọi mặt và sẵn sàng đánh bại các âm mưu và thủ đoạn đánh phá vùng tự do của địch, xây dựng và bảo vệ vùng hậu cứ kháng chiến của chiến trường Nam Trung bộ. Ra sức xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa nhằm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên và hệ thống tổ chức Đảng…
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí; đồng chí Trần Lê được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Như vậy, phải hơn 16 năm, Đảng bộ tỉnh mới có Ban Chấp hành do Đại hội đại biểu đảng viên toàn tỉnh bầu ra, cũng là lần đầu tiên hệ thống tổ chức của Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở có đủ 3 cấp.
Đại hội lần thứ II
Đại hội họp từ ngày 20 - 24.2.1949 tại thôn Dương Liễu (xã Mỹ Lợi, nay là thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ).
Đại hội đánh giá công cuộc xây dựng và củng cố hậu cứ kháng chiến trong 2 năm 1947 - 1948 có một số mặt phát triển mạnh mẽ. Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng được mở rộng và củng cố ở các huyện đồng bằng và một số vùng thấp miền núi. Lực lượng bán vũ trang tiếp tục phát triển và bước đầu được thử thách qua tham gia chiến đấu đánh trả các cuộc hành quân cướp phá và lấn chiếm của địch ở Bình Khê, Phù Mỹ, Phù Cát… Về xây dựng kinh tế kháng chiến đạt được những thành quả bước đầu, không chỉ tự túc được lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mà còn bắt đầu đóng góp đáng kể cho mặt trận...
Đại hội quyết định những nhiệm vụ sắp đến: Tiếp tục phát triển và củng cố dân quân du kích, lực lượng tự vệ và CA. Đẩy mạnh công tác chuẩn bị kháng chiến để chống địch lấn chiếm, đánh phá bằng không quân, hải quân, chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý. Tiếp tục củng cố chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quần chúng, nhất là cơ sở. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để tự túc lương thực và đáp ứng phần lớn hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ và nâng cao trình độ chính trị, lý luận và văn hóa cho cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ tự động công tác để củng cố tổ chức cơ sở của Đảng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ III
Đại hội họp khoảng trung tuần tháng 3.1950 tại trại Thiếu nhi Bác Hồ, ở thôn Tân Hóa (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát).
Đại hội xác định nhiệm vụ gấp rút hoàn thành chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công với các nhiệm vụ cụ thể: Ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương vững mạnh và phát động du kích chiến tranh, góp phần chống phá âm mưu củng cố và chiếm đóng Nam Trung bộ của địch. Tích cực mở rộng đi đôi với củng cố Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt chú ý vận động đồng bào có đạo và miền núi, kiên quyết đập tan âm mưu chia rẽ của địch. Đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất để tiếp tế cho tiền tuyến và cải thiện đời sống nhân dân. Lãnh đạo các ngành văn hóa, thông tin tập trung vào việc động viên nhân dân tích cực tham gia các công tác chuẩn bị tổng phản công, đồng thời tiếp tục xây dựng phong trào đời sống mới. Củng cố nội bộ Đảng thật vững chắc và tiếp tục phát triển Đảng mạnh mẽ, đúng hướng...
Thanh niên các dân tộc tình nguyện tham gia Quân giải phóng.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ IV
Đại hội họp khoảng giữa tháng 4.1952 tại thôn Đức Long (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân).
Đại hội đánh giá: Vượt qua khó khăn và ác liệt do thiên tai và địch họa gây ra, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã giành được một số thành tích về chính trị, quân sự, kinh tế… nổi bật là tăng gia sản xuất và động viên nhân tài, vật lực to lớn cho kháng chiến.
Đồng chí Trần Quang Khanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Hữu Anh, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 3 - Sao Vàng cùng các đồng chí lãnh đạo địa phương và cán bộ chỉ huy Sư đoàn thăm lại địa điểm thành lập Sư đoàn tại khu vực Dốc Bà Bơi (Hoài Ân).
Đại hội đề ra nhiệm vụ chung của Đảng bộ: “Rèn luyện tư tưởng, xây dựng cơ sở, cải tiến phương pháp lãnh đạo, giáo dục chính trị cho toàn dân và toàn quân, kiện toàn Đảng bộ mạnh mẽ để đẩy mạnh công cuộc hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. 4 nhiệm vụ cụ thể là: Thực hiện đúng chính sách thuế nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm, đảm bảo cung cấp cho kháng chiến và cải thiện dân sinh; chấn chỉnh công tác bố phòng, tiến hành xây dựng căn cứ địa; tăng cường đoàn kết toàn dân, giáo dục nhân dân, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; ra sức rèn luyện tư tưởng, xây dựng lập trường cho cán bộ và đảng viên, tiến hành xây dựng cơ sở mạnh mẽ.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí, đồng chí Trần Quang Khanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ V
Để đưa phong trào đấu tranh toàn tỉnh tiến lên mạnh mẽ, tháng 6.1960 tại Tu Kơ Roong (huyện Vĩnh Thạnh), Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V (lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ).
Đại hội tập trung học tập, thảo luận để quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Liên khu ủy V (tháng 4.1960). Đại hội đánh giá, phân tích toàn diện và sâu sắc phong trào cách mạng địa phương, nhất là kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong 5 năm 1955 - 1960.
Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cách mạng trước mắt của tỉnh: Ở miền núi, đẩy mạnh chiến tranh du kích cục bộ, tiến lên giải phóng toàn bộ các huyện miền núi; đồng thời ra sức xây dựng miền núi vững mạnh về mọi mặt làm căn cứ địa cho phong trào cách mạng toàn tỉnh. Các huyện đồng bằng tích cực tiến hành vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kiềm, phát triển cơ sở, vận động thanh niên thoát ly lên căn cứ lập các đội vũ trang công tác. Đồng thời khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang huyện, tỉnh…
Đại hội bầu Ban Chấp hành mới của Đảng bộ tỉnh gồm 11 đồng chí.
Đại hội lần thứ VI
Cuối năm 1964, cùng với toàn miền Nam, Đảng bộ, quân và dân Bình Định bước vào thời điểm quyết định, thời điểm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Phong trào cách mạng nảy sinh nhiều vấn đề mới, Đảng bộ phải có những chủ trương, biện pháp và bước đi thích hợp, cũng như kiện toàn hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng bộ về nhiều mặt. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, từ ngày 20 - 25.11.1964 tại thôn Nghĩa Nhơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI.
Sau khi kiểm điểm tình hình phong trào cách mạng giai đoạn 1960 - 1964, nêu bật những thắng lợi to lớn và toàn diện đã giành được từ sau “đồng khởi Khu Đông” (tháng 7 - 11.1964), Đại hội tập trung phân tích những tiến bộ, các khuyết điểm của Đảng bộ trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương.
Đại hội đề ra 3 mục tiêu chủ yếu: Nhanh chóng giành quyền làm chủ toàn bộ nông thôn đồng bằng, nắm trọn quyền lãnh đạo thị trấn, thị xã, tạo điều kiện cướp chính quyền quận và tỉnh lỵ. Tiêu diệt và làm tan rã từng bộ phận quân địa phương, tạo điều kiện làm tan rã lực lượng quân sự, chỗ dựa của chế độ Mỹ - ngụy. Khẩn trương xây dựng lực lượng ta ở cả 3 vùng vững mạnh về nhiều mặt.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 13 đồng chí; đồng chí Trần Quang Khanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ VII
Đại hội được tổ chức vào trung tuần tháng 11.1968, tại Trường Đảng tỉnh bên bờ suối Kà Xom (huyện Vĩnh Thạnh), giữa lúc quân dân trong tỉnh kiên cường chống trả những cuộc càn quét, lấn chiếm của địch.
Đại hội nhấn mạnh: Chúng ta đã góp phần đắc lực với toàn khu, toàn miền đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và hai cuộc phản công mùa khô của địch, giành thắng lợi trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, góp phần đẩy địch vào thế bị động chiến lược. Bốn năm qua, phong trào cách mạng luôn trong thế tiến công địch, lực ta từ ít chuyển lên nhiều…
Trên cơ sở đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của phong trào và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt: Đẩy mạnh mọi mặt công tác, ra sức tăng cường xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, coi trọng công tác xây dựng Đảng, tiếp tục tiến công và nổi dậy đánh bại âm mưu và thủ đoạn của địch, cùng toàn khu, toàn miền Nam giành thắng lợi quyết định.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới gồm 22 đồng chí, do đồng chí Đặng Thành Chơn làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ VIII
Đại hội được tiến hành từ ngày 15 - 21.9.1971 tại làng Tà Lăng, xã Bok Bang, huyện Vĩnh Thạnh.
Báo cáo chính trị đã tổng kết tình hình Đảng bộ và phong trào cách mạng địa phương từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, đi sâu phân tích, đánh giá sự lãnh đạo của Đảng bộ qua 3 năm chống phá các kế hoạch “Bình định nông thôn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đại hội đã điểm lại những chặng đường đấu tranh chống chương trình “Bình định nông thôn” của địch từ “Bình định cấp tốc” (11.1968 - 7.1970) đến “Bình định đặc biệt” (7.1970 - 7.1971), và “Bình định nước rút”.
Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng vận chuyển gỗ quý ra Hà Nội xây Lăng Bác.
Đại hội xác định nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ: Kiên quyết đánh bại về cơ bản “Kế hoạch bình định” của địch, giải phóng và giành quyền làm chủ, tranh chấp đại bộ phận nông thôn, ra sức giữ vững và xây dựng vùng ta lớn mạnh.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 31 đồng chí; đồng chí Đặng Thành Chơn được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ IX
Nhằm tạo bước chuyển biến mới về tư tưởng trong Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh, Đại hội tiến hành từ ngày 6 - 12.11.1973 tại làng K10 (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Đại hội đánh giá phong trào cách mạng địa phương qua 19 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1973); đi sâu phân tích, đánh giá tình hình gần 1 năm đấu tranh thi hành Hiệp định Paris; đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 1971 - 1973. Đại hội đề ra nhiệm vụ trung tâm là: Ra sức đánh bại lấn chiếm, “bình định” của địch, khôi phục vùng ta, giành giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực ta.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 31 đồng chí; đồng chí Nguyễn Trung Tín được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 29.9.1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh, tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi được hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Đảng bộ Bình Định và Quảng Ngãi. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình gồm 31 đồng chí. Đồng chí Lê Tấn Tỏa được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Nghĩa, Võ Văn Đinh, Đinh Bá Tòng (Đinh Bá Lộc) giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ X
Sau gần hai năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tình hình chuyển biến nhanh chóng của đất nước và thế giới có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ I (Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ X) diễn ra 2 vòng:
- Đại hội vòng 1
Họp từ ngày 10 - 20.11.1976 tại TX Quy Nhơn. Đại hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng và bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội Đảng toàn quốc.
- Đại hội vòng 2
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ I (vòng 2) được tiến hành tại TX Quy Nhơn từ ngày 23 - 27.3.1977.
Đại hội khẳng định những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đạt được trong thời gian qua là hết sức to lớn, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển KT-XH; xây dựng và củng cố chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, ổn định đời sống nhân dân.
Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Ra sức động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung sức cao độ tạo nên một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp, ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp và ngư nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp và thủ công nghiệp, cố gắng xây dựng một số xí nghiệp cơ khí, điện lực…”.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí; đồng chí Võ Văn Đinh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XI
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ II (Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XI) tiến hành từ ngày 7 - 11.11.1979 tại TX Quy Nhơn. Đại hội thảo luận báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình (khóa I) và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1977 - 1979.
Đại hội quyết định phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong tỉnh để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh sẵn sàng chiến đấu, tích cực chi viện cho tiền tuyến và cho các nước bạn; tập trung xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể vững mạnh; khẩn trương khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, chuẩn bị điều kiện để xây dựng cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp ở huyện.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí; đồng chí Nguyễn Quang Lâm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XII
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ III (Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XII) diễn ra trong 2 vòng:
Họp từ ngày 9 - 17.1.1982 tại TX Quy Nhơn. Đại hội tập trung thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội V của Đảng; nghiên cứu, thảo luận Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1982. Đại hội bầu 34 đại biểu đi dự Đại hội lần thứ V của Đảng.
Họp từ ngày 31.1 - 5.2.1983 tại TX Quy Nhơn. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong 5 năm 1981 - 1985, trong đó Đảng bộ phải phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược và 4 mục tiêu KT-XH do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V đề ra. Đại hội nhấn mạnh vấn đề nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng bộ thật sự vững mạnh, trong sạch, đoàn kết, thống nhất và ngày càng thành thục trong lãnh đạo kinh tế, văn hóa - xã hội. Thiết lập và phát huy tác dụng của cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 đồng chí; đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XIII
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ IV (Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIII) diễn ra trong 2 vòng:
Họp từ ngày 10 - 14.10.1986 tại TP Quy Nhơn. Đại hội thảo luận, đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Văn kiện Đại hội VI của Đảng và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV.
Đại hội được triệu tập ngày 8.1.1987 tại TP Quy Nhơn. Đại hội quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và chủ trương đổi mới toàn diện đường lối phát triển kinh tế của Đảng.
Đại hội xác định nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong nhiệm kỳ: Tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; xây dựng hai công trình trọng điểm là thủy lợi Thạch Nham và thủy điện Vĩnh Sơn nhằm tạo tiền đề phát triển lực lượng sản xuất, hình thành cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp của tỉnh trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 65 đồng chí; đồng chí Đỗ Quang Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XIV
Họp từ ngày 23 - 26.4.1991 tại TP Quy Nhơn. Đại hội tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Đại hội bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng gồm 16 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Họp từ ngày 18 - 24.1.1992 tại TP Quy Nhơn. Đại hội thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghĩa Bình lần thứ IV, đề ra Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 1991 - 2000 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu những năm 1992 - 1995.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 43 đồng chí; đồng chí Nguyễn Trung Tín được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XV
Đại hội diễn ra từ ngày 7 - 9.5.1996 tại TP Quy Nhơn.
Đại hội đánh giá khách quan những thuận lợi, khó khăn của tỉnh; đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát về phát triển KT-XH giai đoạn 1996 - 2000 là: Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cần nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với thời kỳ 1991 - 1995 và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt cho nhân dân. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tạo điều kiện cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000 và đón đầu sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí; đồng chí Tô Tử Thanh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XVI
Đại hội diễn ra từ ngày 7 - 10.2.2001 tại TP Quy Nhơn.
Đại hội khẳng định trong nhiệm kỳ 1996 - 2000 kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các mặt văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị ổn định, trật tự xã hội được giữ vững; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có bước chuyển biến tiến bộ.
Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2005 là: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng; cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 47 đồng chí; đồng chí Mai Ái Trực được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XVII
Đại hội diễn ra từ ngày 15 - 18.11.2005 tại TP Quy Nhơn.
Đại hội đánh giá nhiệm kỳ 2000 - 2005: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có bước tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các mặt văn hóa - xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị có tiến bộ; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Đại hội đã tập trung thảo luận 3 giải pháp mang tính đột phá nhiệm kỳ tới: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng về KT-XH để thu hút đầu tư và thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn, mà trọng tâm là hạ tầng KKT Nhơn Hội và đưa vào sử dụng công trình thủy lợi hồ chứa nước Định Bình; tập trung đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu phát triển; rà soát bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương nhằm phát huy tối đa nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ nguồn lực bên ngoài... để sớm đưa Bình Định trở thành một điểm sáng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong những năm tới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII gồm 49 đồng chí; đồng chí Nguyễn Xuân Dương được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XVIII
Đại hội tiến hành từ ngày 27 - 29.10.2010 tại TP Quy Nhơn.
Đại hội đã tiến hành thảo luận, tham gia góp ý vào các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2005 - 2010; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2010 - 2015) của Đảng bộ; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.
Đại hội đánh giá nhiệm kỳ 2005 - 2010: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tổng sản phẩm tăng bình quân 5 năm (2005 - 2010) đạt 10,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (đến năm 2010: nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 35,7%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27,2%, dịch vụ chiếm 37,1%); sản xuất nông
nghiệp phát triển toàn diện và đạt mức tăng trưởng cao; kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các hoạt động GD&ĐT, KH&CN, VH&TT, chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII gồm 55 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Thiện được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội lần thứ XIX
Đại hội tổ chức từ ngày 14 - 16.10.2015 tại TP Quy Nhơn.
Đại hội thông qua Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII; Báo cáo Tổng hợp ý kiến tham gia góp ý của đại hội các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và đại biểu chính thức của Đại hội vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đại hội đánh giá kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2010 - 2015: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất công nghiệp được duy trì và có bước phát triển; sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, công tác xây dựng nông thôn mới đạt một số kết quả bước đầu; hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển khá; các công trình kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu tiếp tục được đầu tư xây dựng; các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển; sự nghiệp GD&ĐT, KH&CN tiếp tục phát triển; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX gồm 55 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thanh Tùng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
B.B.Đ (Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)