Dấu ấn hoạt động khoa học - công nghệ
Trong 5 năm qua (2016 - 2020), hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh đã có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương.
Tạo động lực
Để nói về chặng đường nhiều đổi mới và phát triển trong 5 năm qua, có thể lấy trường hợp Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Ðịnh (Bidiphar) làm ví dụ điển hình.
Thực hiện phương châm “Lấy KH&CN làm động lực để phát triển”, Bidiphar không ngừng đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tiên phong ứng dụng KH&CN, vươn lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp dược Việt Nam. Để DN có thể trụ vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, Bidiphar ưu tiên phát triển các chính sách đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ phát triển KH&CN như: Hàng năm đầu tư từ 30 - 50 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, chú trọng hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm với chi phí chiếm khoảng 2% tổng doanh thu, cùng các chính sách “trải thảm đỏ” để thu hút nhân tài.
Trong chiến lược phát triển, Bidiphar luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất thuốc.
Cho đến nay, Bidiphar sở hữu 7 xưởng sản xuất thuốc chính và 12 dây chuyền sản xuất dược phẩm tự động, với hơn 400 sản phẩm thuốc thuộc 19 nhóm điều trị đã được cấp số lưu hành trong và ngoài nước. Đặc biệt, Bidiphar là DN đầu tiên của ngành Dược nghiên cứu, sản xuất thành công thuốc điều trị ung thư, với hơn 30 sản phẩm đã được đưa ra thị trường. Các sản phẩm của Bidiphar đều được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Xác định KH&CN là động lực then chốt để phát triển, thời gian qua, Bình Định đã đầu tư về nguồn lực, ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động này. Theo TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển KH&CN; hằng năm dành khoảng 2% tổng chi ngân sách thường xuyên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Cụ thể, trong 5 năm qua, tỉnh đã chi hơn 516 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN, chiếm 1,41% tổng ngân sách chi thường xuyên của tỉnh. Ngoài ra, Trung ương phân bổ hơn 221 tỷ đồng đầu tư cho KH&CN của tỉnh, đặc biệt cho dự án Tổ hợp Không gian khoa học tại Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa.
Kiểm tra cây nuôi cấy mô tại phòng thí nghiệm của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN).
UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến KH&CN, bao gồm chính sách về hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN được triển khai, hoạt động KH&CN trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến, tạo được sự đột phá cho từng ngành, lĩnh vực. Tiêu biểu phải kể đến việc hình thành và đưa vào hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Mỹ Thành (Phù Mỹ); quy hoạch 2 vùng chăn nuôi công nghệ cao tại Nhơn Tân (TX An Nhơn) và Cát Thành, Cát Hải (Phù Cát); bước đầu hoàn chỉnh quy hoạch Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn…
Những đột phá
Từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, nhiều DN đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ giúp tăng năng suất, tiết kiệm năng lượng, tạo tiếng vang lớn. Cụ thể như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư cung cấp các giống gà mới, Công ty Chăn nuôi New Hope Bình Định xây dựng các trang trại chăn nuôi heo thịt công nghệ cao. Công ty CP Gạch tuynen Bình Định đầu tư công nghệ sản xuất gạch bê tông siêu nhẹ chưng áp.
Đặc biệt, hoạt động của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) và Tổ hợp Không gian khoa học trở thành “hạt nhân” phát triển khoa học và là điểm đến của các nhà khoa học thế giới. Điều đó góp phần đưa Quy Nhơn trở thành nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao KH&CN, cũng là nơi lý tưởng để tổ chức các khóa đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Trung tâm ICISE có mặt trong top 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.
- Trong ảnh: Học viên và giảng viên tham gia Trường hè Phát triển Việt Nam 2020 tổ chức tại ICISE tháng 7.2020.
Nhờ có sự đầu tư về KH&CN, lĩnh vực nông nghiệp có sự phát triển vượt bật khi tuyển chọn và bảo tồn nguồn gen một số giống lúa; ứng dụng công nghệ sinh học và các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, một số chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã được hình thành.
Tiếp tục quan điểm lấy KH&CN làm nền tảng cho sự phát triển, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo, đưa KH&CN tiến bước vào nhiều ngành, lĩnh vực. “Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng khung kế hoạch cho hoạt động KH&CN giai đoạn tiếp theo, trong đó chú trọng tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao KH&CN; đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo để phục vụ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 5 ngành, lĩnh vực công nghệ ưu tiên như: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học xã hội và nhân văn”, ông Lê Công Nhường nhấn mạnh.
KHÁNH LINH