Theo dấu chân người anh hùng áo vải
Người anh hùng “áo vải cờ đào” - Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn được muôn dân kính ngưỡng và tưởng nhớ. Cho đến nay, đã có 6 tỉnh, thành ở cả 3 miền đất nước đã xây dựng công trình quy mô tôn vinh thân thế và sự nghiệp của Ngài.
Di tích quốc gia đặc biệt ở cả 3 miền
Từ năm 2009 đến nay, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định xếp 112 di tích quốc gia đặc biệt ở nhiều tỉnh, thành. Trong đó, có 3 di tích liên quan đến nhà Tây Sơn trải đều ở 3 miền đất nước: Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Bình Định, xếp hạng năm 2014), Địa điểm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang, xếp hạng năm 2014), Gò Đống Đa (Hà Nội, xếp hạng năm 2018).
Tường đài Hoàng đế Quang Trung tại Hoa viên Quang Trung (TP Quy Nhơn). Ảnh: V.L
Đền thờ Tây Sơn tam kiệt là điểm đến quen thuộc không chỉ với người Bình Định mà còn với đồng bào cả nước. Ở đây xin nói thêm về 2 di tích quốc gia đặc biệt còn lại.
Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút được xây dựng trên diện tích 1,5 ha ngay cạnh bờ sông Tiền, với thiết kế tạo ấn tượng mạnh ngay khi mới tiếp cận. Trung tâm khu di tích này là cụm tượng đài bằng đồng (nặng 20 tấn, cao hơn 8 m) với bệ tượng mô phỏng một chiến thuyền, trên thuyền là người anh hùng Nguyễn Huệ đang vung gươm chỉ huy binh tướng xông lên đánh giặc, ngồi ngay sau lưng ông là một binh sĩ đang giương cung và một người đang chèo thuyền... Khu nhà trưng bày ngay dưới chân tượng đài trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến trận thủy chiến đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược.
Tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ tại khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang).
Khu Di tích Gò Đống Đa được xây dựng quy mô trên diện tích 2,2 ha trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, TP Hà Nội) sầm uất, có tượng đài người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ với dáng đứng uy nghi (cao gần 15 m, bằng bê tông cốt thép và phun vảy đồng). Bao quanh sau tượng là hai bức phù điêu bằng đá, được ghép nối rất công phu từ 152 phiến đá lớn (nặng 1,4 - 1,8 tấn/phiến), chuyển tải nội dung, hình ảnh về chiến thắng lẫy lừng năm xưa. Trên phù điêu có khắc những dòng chữ được nhũ vàng trang trọng: “Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 là chiến công vĩ đại và hiển hách bậc nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Hai trăm năm, qua chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và tên tuổi, sự nghiệp Quang Trung vĩ đại đã trở thành tấm gương ngời sáng, tiêu biểu cho trí tuệ nghệ thuật quân sự Việt Nam, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc ta”.
Khu Di tích Gò Đống Đa (Hà Nội).
Từ tượng đài đi lên phía trên cao là khu Đền thờ trang nghiêm (rộng 300 m2, cao 9,54 m), được thực hiện bởi nhiều nghệ nhân giỏi ở các làng nghề truyền thống nổi tiếng bậc nhất miền Bắc. Phía dưới đền thờ là phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh diễn tả cuộc hành binh, tiến công thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn.
Nhiều nơi xây dựng công trình tôn vinh
Cách đây hơn 2 tháng, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý về chủ trương để tỉnh Gia Lai lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn thượng đạo, gồm 6 cụm di tích ở 4 huyện, thị xã).
Di tích An Khê đình thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo (tỉnh Gia Lai).
Đầu tháng 7.2020, chúng tôi đến tham quan cụm di tích An Khê trường, An Khê đình (thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo) ở TX An Khê (tỉnh Gia Lai), ghi dấu một trong những nơi giao tiếp của anh em Tây Sơn với đồng bào Bana để tập hợp lực lượng trong thời kỳ đầu dựng cờ khởi nghĩa; nơi nghĩa quân Tây Sơn làm lễ khởi binh trước khi tiến quân xuống đồng bằng năm 1773. Được biết, vào tháng 5.2020, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt xây dựng các công trình bảo tồn, tôn tạo quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo.
Khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung tại di tích lịch sử Núi Bân (TP Huế).
Cuối tháng 7.2020, tôi lại may mắn có mặt tại Khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung tại di tích lịch sử Núi Bân (TP Huế). Khu tưởng niệm này được xây dựng năm 2008 trên diện tích 9,5 ha. Đứng dưới chân tượng đài Hoàng đế Quang Trung được làm bằng đá hoa cương (cao 21 m) tạo điểm nhấn nổi bật cho Khu tưởng niệm, nhìn về phía xa là trung tâm TP Huế, trong tôi bỗng dâng lên niềm xúc động khi hình dung ra cảnh cách đây 232 năm, tại nơi này, người anh hùng áo vải đã cho xây đàn tế cáo trời đất và làm lễ lên ngôi Hoàng đế, đồng thời phát động cuộc hành quân thần tốc ra Thăng Long… Trong bức phù điêu sau tượng đài có khắc những câu trong chiếu lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung: “Nhân, Nghĩa, Trung, Chính là đầu mối lớn lao của đạo làm người. Nay trẫm cùng dân đổi mới (…), sẽ cùng dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân”.
Tại Nghệ An, đền thờ vua Quang Trung được xây dựng và hoàn thành năm 2008 ở đỉnh núi Dũng Quyết (TP Vinh), nơi vùng đất ngày xưa vua Quang Trung lựa chọn làm trung tâm kinh đô mới - Phượng Hoàng Trung đô… Có dịp viếng thăm Đền thờ cách đây gần chục năm, đến nay trong tôi vẫn còn đọng lại ấn tượng về một công trình trên vùng đất có địa thế đẹp, được xây dựng quy mô theo kiến trúc truyền thống, chia thành các khu tiền đường, trung đường, hậu cung, nhà tả tu, nhà hữu vu… Đặc biệt là không khí hết sức trang nghiêm, kính cẩn khi đoàn chúng tôi lần lượt từng người được “đặc cách” vào tham quan khu vực hậu cung, thường mỗi năm chỉ mở cửa vài lần vào các dịp lễ kỷ niệm.
Trên quê hương Bình Định
Nhiều năm qua, cùng sự ủng hộ đóng góp của nhiều DN, nhà bảo trợ và toàn dân, tỉnh Bình Định đã dành cho các công trình liên quan đến Hoàng đế Quang Trung mối quan tâm đặc biệt. Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư vào Bảo tàng Quang Trung nói chung và khu Đền thờ Tây sơn tam kiệt nói riêng, tỉnh còn xây dựng công trình Đền thờ song thân Tây Sơn tam kiệt ở di tích lịch sử quốc gia Gò Lăng (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành) - quê mẹ của ba anh em nhà Tây Sơn, xây dựng đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân...
Phối cảnh khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung) sau khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng.
Đầu tháng 12.2015, Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung được khởi công, thực hiện nhiều hạng mục ở 5 khu vực rộng lớn của Bảo tàng, tổng kinh phí dự kiến hơn 211,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Đến cuối tháng 1.2019, Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung thực sự “nâng tầm” sau khi hoàn thành việc mở rộng. Các hiện vật, tượng đài, phù điêu, tranh ảnh được đầu tư trưng bày bài bản, bố trí khoa học, đẹp mắt hơn rất nhiều so với trước đây, ngoài ra còn có phòng chiếu phim 3D, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ…. Tháng 9.2020, các công trình phụ trợ cũng đã hoàn thành, việc phục vụ khách tham quan được tổ chức tốt hơn. Hạng mục nâng cấp, mở rộng khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt cũng đang gần hoàn thành việc xây dựng, sau đó Sở VH&TT sẽ tiến hành các bước tiếp theo xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh để thực hiện các hạng mục nội thất, trưng bày và bài trí bên trong các khu nhà của Đền thờ.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Bộ VH-TT&DL, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến Dự án mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung. Nhiều hạng mục trong Dự án được nhiều đơn vị phối hợp thực hiện, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để đảm bảo các yêu cầu đề ra. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đưa Bảo tàng Quang Trung trở thành một trong những bảo tàng có quy mô lớn nhất nước, được đầu tư đồng bộ, tạo nên sức hút nhiều đối tượng khách hơn”.
HOÀI THU