Chuyện những người “bắt chim bay”
Họ là những cử nhân trẻ, sau một thời gian làm việc ở xa, quyết định trở về quê nhà lập nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Không ai thành công ngay lập tức nhưng với nghị lực và sức trẻ, họ đã chứng minh quyết định của mình là đúng.
Sự nỗ lực vượt khó
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng năm 2006, sau 6 năm làm việc tại TP Đà Nẵng, chàng kỹ sư tin học Bùi Duy Khánh (38 tuổi, ở khu phố Ngọc An Đông, phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn), quyết định về quê... trồng rau sạch.
Về nhà, anh vừa làm công việc sửa chữa máy tính vừa tự học trồng rau sạch trên đất vườn nhà. Đến cuối năm 2017, khi thấy tất cả đã chín mùi, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng làm gần 1.000 m2 nhà màng có hệ thống tự động chắn nắng, che mưa, có cả hệ thống quạt đối lưu tuần hoàn không khí để trồng rau sạch.
Mô hình trồng rau trong nhà màng của anh Bùi Duy Khánh (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP năm 2018.
Trong nhà màng, anh Khánh trồng xà lách, cải, dưa leo, khổ qua, dưa lưới. Còn bên ngoài, anh làm thêm khu nhà màng nhỏ ươm rau giống; xây chuồng nuôi bò, gà, trùn quế để lấy phân trồng rau. Năm 2018, cơ sở rau sạch của anh được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP, trung bình mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 50 kg rau các loại, mỗi vụ bán khoảng 2 tấn dưa lưới; thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với tiền công 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Khánh cởi mở: “Hiện tôi đang xây dựng bộ nhận diện thương hiệu rau sạch của cơ sở mình, gồm logo, website, bao bì sản phẩm... và liên kết với các DN tại TP Hồ Chí Minh để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
Tương tự anh Khánh, anh Tô Vũ Thành Tín (28 tuổi, ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại Trường ĐH Quy Nhơn, sau đó làm việc tại TP Hồ Chí Minh được 2 năm sau thì trở về quê nhà khởi nghiệp... nuôi chim trĩ. Cơ sở của anh Tín hiện nuôi từ 2.000 - 3.000 con chim trĩ thịt, 50.000 - 60.000 con chim trĩ giống. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm chim trĩ cảnh, chim công, gà vảy cá, gà kỳ lân (gà Brahama), gà đuôi dài Nhật Bản... để bán làm cảnh. Anh Tín cũng tự mày mò chế tạo máy ấp trứng chim trĩ công suất ấp 100 - 200 trứng/ngày và nuôi thành công ong dú với hơn 200 tổ, thu hoạch 200 - 300 lít mật/năm. Mỗi năm, anh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ nghề nuôi chim trĩ, gà cảnh, ong dú lấy mật.
Đưa chúng tôi tham quan mô hình của mình, anh Tín bộc bạch: “Kể ra ngày đó mình cũng liều thật. Tháng 8.2014 tôi về nhà, bỏ vốn 150 triệu đồng để xây chuồng, mua 162 con chim trĩ giống về nuôi. Khi ấy kinh nghiệm, kỹ thuật đã có gì đâu. Cho nên từ năm 2014 đến năm 2016, tôi thất bại liên tiếp, có lúc tưởng chừng gục ngã. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của gia đình, tôi đã vượt qua và rút kinh nghiệm tổ chức sản xuất tốt hơn”.
Năm 2012, Trịnh Hưng Công (năm nay 30 tuổi, ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Quang Trung. Sau quãng thời gian đi nghĩa vụ quân sự và làm việc tại một nhà hàng ở Đắk Nông, năm 2016, anh xuất khẩu lao động sang nhật Bản, làm việc tại một nhà vườn tại tỉnh Kagawa, sau đó thi đậu vào học trung cấp nông nghiệp tại Trường ĐH Kagawa, chuyên ngành xử lý vi sinh đất nông nghiệp. Cuối tháng 7.2019, anh trở về quê nhà lập nghiệp với mô hình trồng rau hữu cơ; vừa làm, anh vừa đào tạo học viên theo học sản xuất nông nghiệp an toàn.
Mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà vườn Yuuki farm của anh Trịnh Hưng Công (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Trên diện tích khu vườn Yuuki farm gần 10.000 m2 của mình, anh Công trồng các loại rau, củ, quả, như xà lách, rau dền, rau muống, cải, cà tím, cà rốt, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, mướp... trong nhà lưới theo hướng hữu cơ. Trung bình mỗi ngày, vườn rau của anh Công xuất bán từ 50 - 70 kg rau hữu cơ.
Đầu năm nay, anh xây dựng thêm trang trại nuôi gà theo hướng hữu cơ vi sinh tại thôn Nam Tân (xã Nhơn Hậu) với số lượng thả nuôi hơn 8.000 con. Chia sẻ về những dự tính sắp tới, anh Công nói: “Tôi cũng đã thành lập Công ty CP Yuuki farm để liên kết với các DN khác tiêu thụ sản phẩm. Về lâu dài, Công ty sẽ xây dựng chứng chỉ rau hữu cơ quốc tế để tìm hướng xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu”.
Thành công - Không chỉ có đam mê
Hầu hết những người trẻ thành công trên lĩnh vực nông nghiệp mà chúng tôi tiếp xúc đều đúc kết rằng, thành công không chỉ cần có đam mê, mà còn phải nắm vững chuyên môn.
Anh Tín tâm tình: “Những kết quả mà tôi có được hôm nay được đúc kết qua nhiều lần thất bại không hề nhỏ. Vậy nên, các bạn trẻ đang có ý định lập nghiệp, phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức chuyên môn đến kế hoạch phù hợp với bản thân để triển khai. Đừng nên liều lĩnh thực hiện khi chưa hiểu rõ về định hướng mình chọn, nhất là với những lĩnh vực xa lạ”.
Sau bao lần thất bại, anh Tô Vũ Thành Tín (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ thương phẩm, gà, chim trĩ cảnh và ong dú.
Đồng quan điểm, anh Khánh cho rằng: “Mọi người đều có đam mê, sở trường riêng để phát huy. Nhưng để thành công, phải vạch ra kế hoạch phù hợp và thực hiện một cách khoa học, hợp lý theo từng bước một, chứ không phải thấy người ta làm là mình cũng làm được ngay. Mà nếu có lỡ thất bại cũng đừng vội dừng lại mà hãy tiếp tục bước tiếp, bởi sự thành công nào mà chẳng có thất bại”.
Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ rất khó khăn, nguy cơ rủi ro cao, chi phí đầu tư lớn. Nhiều dự án nông nghiệp mất thời gian dài, có thể từ 3 -5 năm mới có kết quả ban đầu; trong khi đó đầu ra cho nông sản Việt đang gặp khó. Xác định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh đam mê phải nắm vững chuyên môn, có nguồn vốn, xác định được thị trường tiềm năng cho sản phẩm. Thực tế, hiện nay chủ các mô hình sản xuất nông nghiệp đều là dân “tay ngang”, vì thế sự khó khăn gia tăng. Tuy nhiên, các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận kiến thức, kết nối với nhau, hỗ trợ nhau để phát triển; quan trọng phải định vị được mình và định hình được phân khúc khách hàng.
NGỌC NHUẬN - THU DỊU