Mái nhà chung cho nghệ thuật truyền thống
Nhà hát tuồng Ðào Tấn và Ðoàn ca kịch bài chòi Bình Ðịnh đều có bề dày truyền thống đáng tự hào, với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh tiếp nối tỏa sáng trên sân khấu. Từ tháng 4.2020, hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập của tỉnh sáp nhập thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Về chung một nhà
Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đều khẳng định vị thế của mình trên sân khấu truyền thống tại nhiều cuộc thi, liên hoan do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Điển hình là các kỳ liên hoan nghệ thuật sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, cả hai đơn vị đều gặt hái thành tích tốt. Năm 2016, vở “Nước non cửa Phật” của Nhà hát tuồng Đào Tấn đoạt HCV vở diễn, cùng 3 HCV, 2 HCB cho diễn viên; vở “Hồn tháp” của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đem về 2 HCV, 1 HCB cho diễn viên. Năm 2019, vở “Chói rạng sơn hà” của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định đoạt HCV vở diễn, các giải đạo diễn, tác giả, họa sĩ xuất sắc, 3 HCV, 3 HCB cho diễn viên; vở “Quan khiêng võng” của Nhà hát tuồng Đào Tấn đoạt HCB vở diễn, cùng 3 HCV, 3 HCB cho diễn viên.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh được khánh thành vào cuối tháng 9.2020, là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX.
Nghệ sĩ Dương Nữ Thùy Dung chia sẻ: “Những năm qua, bản thân tôi nói riêng và các diễn viên trẻ nói chung đã được tin tưởng giao đảm nhận nhiều vai diễn để trưởng thành và tiến bộ hơn, khẳng định mình ở các cuộc thi; đồng thời được tạo điều kiện đi học thêm nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là nền tảng để chúng tôi tiếp tục nỗ lực cống hiến ở chặng đường còn dài phía trước...”.
Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 25.10.2017, có chỉ đạo: “Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Tiếp tục duy trì các đơn vị nghệ thuật truyền thống tiêu biểu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giữ lại 1 đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu của địa phương”. Thực hiện nghị quyết này, tỉnh đã sáp nhập Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh từ tháng 4.2020. Nhà hát đã sắp xếp tổ chức thành 2 đoàn biểu diễn riêng về nghệ thuật tuồng, ca kịch bài chòi với một bộ máy lãnh đạo, quản lý thống nhất.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức biểu diễn báo cáo chương trình tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, chia sẻ: “Sau sáp nhập, các diễn viên, nhạc công của 2 đoàn nghệ thuật gắn kết, hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ chung. Cụ thể, đã sớm triển khai tập luyện 9 trích đoạn tuồng, 7 trích đoạn ca kịch bài chòi tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2020; hai chương trình tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở VH&TT và các sở, ngành liên quan đã tạo điều kiện cho Nhà hát có những chế độ, cơ sở vật chất tốt hơn so với một số đơn vị nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu ở các địa phương trong nước…”.
Đầu tư nơi tập luyện, biểu diễn xứng tầm
Khi cơ sở vật chất cũ đã xuống cấp, hạn chế, có được nơi tập luyện, biểu diễn phục vụ khán giả tốt hơn là mong đợi chung của các thế hệ diễn viên, nhạc công nghệ thuật tuồng, ca kịch bài chòi trong nhiều năm, sau những nỗ lực không ngừng cống hiến. Nắm bắt và chia sẻ nỗi niềm tâm tư này, Sở VH&TT đã đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm cho xây dựng mới Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh tại khu biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn trước đây.
Khán phòng chính 150 chỗ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
Sau một năm rưỡi thi công, công trình Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh hoàn thành vào tháng 8.2020. Khán phòng chính của Nhà hát có 150 chỗ ngồi, thiết kế đẹp, trang thiết bị hiện đại, phục vụ biểu diễn tốt hơn. Bên cạnh đó, còn có một khán phòng 50 chỗ ngồi, được thiết kế phù hợp để hướng đến phục vụ khách du lịch tìm hiểu nghệ thuật tuồng Bình Định. Ngày 14.9.2020, Nhà hát đã mở màn bằng chương trình báo cáo chuẩn bị tham gia Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020. Gặp các nhạc công sau buổi diễn này, họ đều có chung niềm phấn khởi, chia sẻ rằng lần đầu tiên được biểu diễn ở khán phòng mới đã tiếp thêm sự hưng phấn, quyết tâm khẳng định ở cuộc thi.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh là công trình ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX. Lễ khánh thánh Nhà hát được tổ chức trang trọng vào cuối tháng 9.2020 gắn với hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam tại Bình Định, sau đó có sự chuẩn bị tốt cho việc phối hợp tổ chức và tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2020 tổ chức tại Nhà hát vào cuối tháng 10.2020. Về lâu dài, sẽ có các hoạt động phát huy được hiệu quả cơ sở vật chất mới của Nhà hát cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với phục vụ phát triển du lịch của tỉnh”.
Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Văn Bá Dũng chia sẻ thêm, để xứng đáng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thời gian tới đơn vị càng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có việc phấn đấu tổ chức phục vụ được nhiều đối tượng khán giả tại Nhà hát. “Thuận lợi ban đầu là Nhà hát có khán phòng riêng đầu tư bài bản để phục vụ du khách. Chúng tôi sẽ tìm tòi xây dựng các chương trình, tiết mục phù hợp, đảm bảo giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật tuồng, dân ca, bài chòi Bình Định và tạo được sức lôi cuốn; thực hiện quảng bá, liên kết với các DN lữ hành để đưa nhiều đoàn khách đến với Nhà hát. Bên cạnh đó, Nhà hát sẽ có kế hoạch phối hợp với các trường tạo điều kiện cho học sinh đến xem, tìm hiểu về di sản văn hóa phi vật thể của quê hương...”, ông Dũng cho biết.
HÒAI THU