Hy vọng và lạc quan
Trong hy vọng, hy (bộ cân) có nghĩa “trông ngóng”, “mong cầu”; vọng (bộ nguyệt), cũng có nghĩa “ngóng trông”, “mong ước”. Trong tiếng Hán, hy vọng có nhiều nghĩa như: “ngẩng nhìn, chiêm vọng”, “ham muốn, dục vọng”, “lý tưởng cao đẹp”, “trông chờ, mong mỏi”, “dò xét ý đồ người khác để đối phó phù hợp”. Vào tiếng Việt, hy vọng chỉ còn giữ nét nghĩa “mong chờ” và thêm nét nghĩa “tin tưởng”. Từ điển tiếng Việt giảng hy vọng là “tin tưởng và mong chờ” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.419).
Trong lạc quan, lạc (bộ mộc), có nghĩa “vui, thích”; quan (bộ kiến) có nghĩa “xem xét, cái nhìn”. Trong tiếng Hán, lạc quan mang nghĩa “xem thế giới và đời người là vui sướng” (Hán Việt từ điển, Đào Duy Anh, Nhà xuất bản KHXH, 2004, tr.478). Vào tiếng Việt, lạc quan có thay đổi một ít về nghĩa. Từ điển tiếng Việt giảng lạc quan: “1. Có cái nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp”, “2. Có nhiều triển vọng tốt đẹp, đáng tin tưởng” (Sđd, tr.515).
Không phải ngẫu nhiên khi vào tiếng Việt, hy vọng và lạc quan lại mang chung một nét nghĩa mới là “tin tưởng”. Bởi, lạc quan, tin tưởng là những phẩm tính tiêu biểu của người Việt. Trong gian khổ, mất mát, đau thương bởi thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh…, người Việt ta vẫn luôn giữ niềm tin yêu, hy vọng vào cuộc sống, vào tương lai tốt đẹp hơn. Văn học dân gian, gương mặt tinh thần của người Việt, với nhiều tác phẩm về đầy cảm hứng lạc quan, yêu đời đã cho thấy rõ điều này. Tiêu biểu là bài ca dao “Mười cái trứng” với hai câu cuối mà hầu như ai cũng thuộc: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Nhiều người cho rằng, xuất xứ bài ca dao này là từ miền Trung. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Ngoài dấu hiệu nhận diện: Kẻ Diên (ở câu Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi) - chính là vùng Diên Sanh thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị ngày nay - so với cả nước, miền Trung chịu nhiều thiên tai khắc nghiệt hơn. Đây cũng là một trong những mảnh đất chịu sự tàn phá của chiến tranh nặng nề nhất trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tính cách kiên cường, lạc quan của người miền Trung cũng sớm hình thành từ đó.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ