Chữ “tai”
Hầu hết các chữ “tai” trong tiếng Việt đều có nguồn gốc tiếng Hán. Trong đó, “tai” trong thiên tai là chữ có tần số xuất hiện cao nhất. Chữ này thuộc bộ hỏa (liên quan đến lửa), nghĩa gốc là “cháy nhà”, rồi mở rộng nghĩa chỉ “sự không may, điều bất hạnh”. Trong tiếng Việt, ta gặp chữ này trong rất nhiều trường hợp như: tai ách, tai biến, tai hại, tai họa, tai kiếp, tai nạn, tai qua nạn khỏi, tai ương, tai vạ, tai bay vạ gió... Gần cuối Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du viết: Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần. Dĩ nhiên, chữ “tai” trong câu thơ trên là “tai” mà ta đang nói tới. Nhưng trong tiếng Hán, còn có một chữ “tai” (bộ nhân) cùng vần với tài [năng] và có nghĩa là… “có tài [năng]”. Có điều, chữ “tai” này không vào được tiếng Việt.
Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ thiên tai nôm na là “tai họa từ thiên nhiên”. Thế nhưng, người xưa lại hiểu là “việc không may lớn lao xảy đến, do ông trời bày ra”. Gần đây, từ những sự việc đau lòng liên tiếp do thiên tai (mưa bão, lũ lụt, sạt lở) gây ra, người ta nói nhiều đến nhân tai (như nạn tàn phá rừng, bức hại dòng chảy). Nhân tai cũng là một loại tai họa và là loại tai họa đáng sợ nhất trong thế giới hiện đại. Từ này có thể hiểu là “tai họa từ con người”.
“Tai” trong thiện tai thuộc bộ khẩu, là một hư từ có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “thay”. Thiện tai là từ nhà Phật, tạm hiểu là “lành thay”. Cuối các tờ sắc, chiếu, ta thường gặp hai chữ khâm tai. Khâm có nghĩa “tôn kính” và khâm tai có thể hiểu là “đáng kính thay”. Về mặt từ nguyên, tình thái từ “thay” trong tiếng Việt có thể cùng gốc với chữ “tai” này.
“Tai” trong lỗ tai, đôi tai, tóc tai, tai mũi họng… là một từ quen thuộc trong tiếng Việt. Về nguồn gốc của từ này, có ý kiến cho rằng, nó có thể bắt nguồn từ chữ “tai” (bộ hiệt [liên quan đến cái đầu] hoặc bộ nhục [liên quan đến thịt]) trong tiếng Hán, có nghĩa “gò má, hai bên mặt”. Về nghĩa, hai từ này có… “lệch vị trí” một chút. Nhưng trong lĩnh vực từ nguyên, sự thay đổi ít nhiều về nghĩa của một từ so với từ gốc của nó là hiện tượng hết sức bình thường.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ