Tập huấn - bồi dưỡng chương trình giáo dục mới: Cốt lõi là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh
Từ ngày 2 - 4.11, Trường ÐH Sư phạm - ÐH Huế phối hợp với Sở GD&ÐT tổ chức chương trình tập huấn - bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trọng tâm của đợt tập huấn là sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, đây cũng là cốt lõi của chương trình.
Phân biệt phương pháp và phương tiện
PGS.TS Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, một trong những người đứng lớp tập huấn, cho biết: Năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông với rất nhiều điểm mới, đặc biệt là cách tiếp cận nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình mới có nhiều điểm khác so với trước, đặc biệt về công tác quản lý, cách giáo dục của thầy cô. Chính vì vậy, ở đợt tập huấn này chúng tôi và các thầy cô phổ thông trao đổi về cách sử dụng các phương pháp dạy học, giáo dục để phát hiện phẩm chất, năng lực học sinh trong từng môn học.
Lớp tập huấn môn Công nghệ cấp THCS và THPT.
Đợt tập huấn giúp các giáo viên hệ thống hóa những vấn đề liên quan đến phương pháp dạy; lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học để phát triển phẩm chất năng lực từng bộ môn. Cấp học khác nhau sẽ sử dụng những phương pháp dạy học khác nhau tùy theo năng lực tiếp nhận, tâm lý lứa tuổi. Một số chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục nhận xét, thực tế ở nhiều trường hiện nay, nhiều giáo viên lạm dụng phương tiện dạy học mà nhầm lẫn giữa phương tiện dạy học và phương pháp dạy học.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều thiết bị dạy học hiện đại là tốt. Nhưng tôi cũng cảnh báo giáo viên đừng lạm dụng phương tiện, vì sẽ khiến học sinh kém tưởng tượng, hình dung và mất đi một cách tư duy. Như các chuyên gia hay nói, học trò học xong làm được cái gì mới là quan trọng, chứ hiểu lý thuyết suông cũng chẳng để làm gì, quên ngay. Giáo viên phải biết sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học trong một tiết học, một chuyên đề. Thầy cô sử dụng còn gượng ép chứng tỏ chưa quen, chưa đầu tư nghiên cứu. Mà thầy cô gượng ép thì chất lượng dạy không tốt. Vì vậy, chính các giáo viên phải hiểu rõ, nắm vững phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp; việc này vô cùng quan trọng.
Giáo viên phải thật sự hiểu rõ về chương trình
Thực tế, nhiều thầy cô vẫn chưa thật sự hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông Đào Đức Tuấn xác nhận việc này và cho biết thêm: Sau khi Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, chương trình ETEP có tài liệu về chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi vẫn chưa an tâm. Chúng tôi đã scan toàn bộ tài liệu và gửi email đến từng giáo viên một! Tôi cũng nói rõ, tôi sẽ phỏng vấn, nếu không trả lời được thông suốt về chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi sẽ xem lại trách nhiệm của người thầy. Nếu một giáo viên có năng lực được đào tạo bài bản thì khi có khung chương trình, bản thân thầy cô giáo phải soạn được bài, đáng tiếc thực tế hiện nay chưa đến 30% giáo viên làm được điều đó.
Đợt tập huấn lần này, không chỉ có giáo viên cốt cán tiểu học mà còn có giáo viên cốt cán THCS, THPT. Một thầy giáo dạy Ngữ Văn cấp THPT, chia sẻ: Những trục trặc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 vừa rồi khiến chúng tôi lo lắng. Nếu không nghiêm túc nhận diện vấn đề để thay đổi, tôi nghĩ đến những năm sau cũng vậy thôi. Để kịp thời điều chỉnh, nên cho giáo viên thời gian tiếp cận sách giáo khoa, chương trình chứ không chọn sách rồi dạy liền như vừa rồi. Thời gian này không chỉ giúp giáo viên làm quen mà các nhà xuất bản nhận được ý kiến phản biện từ nhà trường, xã hội để điều chỉnh trước khi giảng dạy. Ở cấp THPT, học sinh cũng đã lớn chứ không phải là tờ giấy trắng như lớp 1 nên đỡ hơn đôi chút. Dù vậy, giáo viên phải hiểu rõ chương trình để có những điều chỉnh, tổ chức tiết học phù hợp, hiệu quả.
ĐỖ THẢO