“Cặp đôi” trên hành trình thiện nguyện
Từ thuở mới cưới nhau còn gian khó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Truyền - Phan Lành (ở Phước Quang, huyện Tuy Phước) đã có chung sự đồng cảm, mong muốn được giúp đỡ, sưởi ấm những hoàn cảnh kém may mắn. Thực hiện ngay khi có điều kiện, dấu ấn thiện nguyện của đôi vợ chồng được người dân địa phương, cộng đồng đánh giá cao bởi chiều sâu của lòng trắc ẩn, tình yêu thương con người.
Vợ chồng chị Truyền với công việc sản xuất thường ngày tại nhà.
Mong muốn giúp người, xây đời
Từ trong chật vật kinh tế và đồng lòng, vợ chồng chị Truyền (cùng 43 tuổi) có cơ ngơi nho nhỏ là xưởng gia công bàn ghế nhựa giả mây, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, đại đa số là nữ. 3 năm qua, khi việc kinh doanh bắt đầu cho lợi nhuận, anh chị liền thực hiện ấp ủ chung từ thời yêu nhau: San sẻ cho những người có cảnh ngộ khó khăn.
Là người có đạo, sinh hoạt tại Giáo xứ Vườn Vông, mối duyên với việc thiện nguyện ở vợ chồng chị Truyền bắt đầu bằng việc tham gia nấu cơm, cháo tình thương. Tuần 2 lần, cộng đồng giáo xứ phục vụ khoảng 600 suất ăn miễn phí, một nửa cấp phát tập trung tại TTYT huyện và phần còn lại mang đến tận nhà cho khoảng 300 người già, người đau ốm, bệnh tật, sống neo đơn ở địa bàn các xã Phước Quang, Phước Hưng… Là thành viên chủ lực, vợ chồng chị Truyền ngoài đóng góp chi phí và đều đặn tham gia nấu, còn tài trợ phương tiện lâu dài để phục vụ hoạt động.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2019, vợ chồng chị Truyền bắt đầu dùng ôtô nhà phát triển thêm chương trình Chuyến xe tình thương - miễn phí đưa đón người bệnh, người gặp tai nạn đi cấp cứu, chữa trị. Theo anh Lành, tuy công việc bận rộn nhưng có thể chủ động được, bất cứ khi nào có cuộc gọi khẩn cấp (đến số máy 0936 269 079 được dán cạnh dòng chữ: Xe miễn phí Phan Lành - chở người nghèo, bị tai nạn (khu vực An Nhơn, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Hòa…) đến bệnh viện), vợ chồng anh đều gác lại và tức tốc lên đường. Ngày 24.10, anh chở một người ở thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang lên cơn tím tái sau khi sốt, dùng thuốc tại nhà 5 ngày không khỏi. 3 ngày trước, anh cũng đưa giúp một cụ ông bị TNGT trên địa bàn xã đến TTYT TX An Nhơn cấp cứu...
Chị Truyền chia sẻ, vài năm nay sắm được xe, họ chủ động hơn cũng như thêm điều kiện để thỏa trăn trở giúp người nghèo khó, thiệt thòi. Thỉnh thoảng sắp xếp được công việc, vợ chồng thực hiện những chuyến tặng quà ngoài tỉnh. Chuyến đi ý nghĩa và trị giá quà tặng khá lớn là ngày 26.9, mang tết Trung thu đến với 36 trẻ em Mái ấm Dêtul (xã Đắk Sơmei, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), tặng nhiều thực phẩm, quần áo, sách vở. Tại đây, vợ chồng chị Truyền cùng nhóm bạn đã nấu đãi những đứa trẻ thiếu hơi ấm gia đình bữa sáng với món bún chả cá và bánh hỏi - cháo lòng Bình Định. Đặc biệt, chuyến đi đã đưa đẩy vợ chồng chị gặp bé gái người Bana tên Duên (sống trong Mái ấm Dêtul) và nhận làm con nuôi. Cô bé đang học lớp 9 ấy đã chuyển về Bình Định sống với anh chị để tiếp tục ước mơ đi học, vươn lên.
Vợ chồng anh Phan Lành với con gái nuôi tên Duên được họ đặt tên mới “ruột rà” là Phan Bình Nguyên.
Trọn một chữ tâm
Trên tất cả, những chuyện nghĩa tình mà vợ chồng chị Truyền làm lay động nhiều người hơn cả là “bạo gan” vớt người chết đuối; mai táng người không gia đình hay chăm sóc người già, người bệnh neo đơn nằm 1 chỗ lâu ngày; gần gũi, xoa dịu tinh thần người bị bệnh tâm thần.
Những “ca khó” nhưng đâu đó vẫn thường gặp này, bước vào con đường thiện nguyện, cả anh Lành, chị Truyền đều không nghĩ đến. Nhưng khi biết tới, cách giúp càng khó khăn, ít người dám làm, thì lòng họ càng không thể làm ngơ. Đến nay, đôi vợ chồng can đảm này đã vớt xác, chôn cất vài trường hợp. “Ai cũng hỏi sao dám làm những việc này. Có lẽ khi coi họ như người thân, tôi chỉ còn cảm giác xót xa, muốn an ủi nỗi bất hạnh nhiều nhất có thể chứ không sợ hãi, ám ảnh. May mắn nhất ở các hoạt động khó này là vẫn có vợ đồng cảm, ủng hộ, cùng tham gia, giúp tôi một số khâu”, anh Lành tâm sự.
Chỉ có thể chung lòng trắc ẩn, tình thương người bao la, vợ chồng chị Truyền mới cùng sát cánh bên nhau trên chặng đường thiện nguyện có phần đặc biệt hơn so với bao người. Mỗi ngày chung gánh vác việc làm ăn của gia đình, khi có chút thời gian, họ lại cùng đến những hộ người già, bệnh tật, neo đơn mà họ nhận trợ cấp thực phẩm hằng tháng, để giúp vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng, tắm rửa, động viên. Nói về tâm huyết làm điều thiện, việc nghĩa để góp phần giúp người, xây đời vốn trăn trở từ thời trẻ, đến nay đã đi được những bước dài, mỗi người lại cám ơn người kia, và đều khẳng định: Nếu không đồng cảm và cùng nhau thì chắc chắn họ không thể làm được mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình.
Chị Lê Thị Kim Anh, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, cùng sinh hoạt tại Giáo xứ Vườn Vông cho biết, trong hội bác ái của giáo xứ, vợ chồng chị Truyền là thành viên rất tích cực và là gia đình tôn giáo tiêu biểu. Thiện nguyện ở họ in đậm bởi những việc rất khó, không phải ai cũng có đủ nhiệt tâm để làm và điều rất đẹp nữa là họ thuận vợ thuận chồng, sống tốt đời đẹp đạo và luôn đồng hành bên nhau trong cuộc sống.
SAO LY