KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY MẤT NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ (11.11.1940 - 11.11.2020)
Hàn Mặc Tử - Những dấu ấn tại Bình Ðịnh
Chân dung Hàn Mặc Tử.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử sinh trưởng tại Lệ Mỹ - Quảng Bình, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông để lại khá nhiều dấu ấn tại Bình Ðịnh…
Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ông sinh ngày 22.9.1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình. Gia đình Hàn Mặc Tử có 8 anh, chị em và Hàn Mặc Tử là con trai thứ 4. Từ năm 1921, khi mới 9 tuổi, cậu bé Nguyễn Trọng Trí đã cùng với gia đình theo cha vào sống tại Bồng Sơn (nay là TX Hoài Nhơn). Đến tháng 7.1926, khi thân phụ qua đời, Nguyễn Trọng Trí cùng gia đình vào ở hẳn tại Quy Nhơn. Kể từ đó, Hàn Mặc Tử đã ghi dấu ấn tại khá nhiều địa chỉ, như: Bồng Sơn (Hoài Nhơn); thành Bình Định - An Nhơn; Gò Bồi (Tuy Phước); Tây Sơn, Cát Tiến - Phù Cát…
Dấu ấn đầu tiên của Hàn Mặc Tử trên đất Bình Định là năm 1930. Trong cuộc thi thơ do Mộng Du Thi Xã tổ chức, với bút danh Phong Trần, 3 bài thơ Thức khuya, Chùa hoang và Gái ở chùa của ông đã đoạt giải Nhất. Đồng thời, thơ của Phong Trần còn được nhà chí sĩ Phan Bội Châu khen ngợi trên báo Tràng An.
Kể từ đó, Phong Trần trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt. Nhà thơ được mời làm giám khảo một cuộc thi thơ do Collefge de Qui Nhon tổ chức. Theo Yến Lan, khoảng đầu thập niên 30 của thế kỷ XX Hàn Mặc Tử đã khá nổi tiếng, ông và Chế Lan Viên thường xuống Quy Nhơn, đến thăm nhà Hàn Mặc Tử ở số 20 đường Khải Định (tức đường Lê Lợi hiện nay). Nhà thơ Yến Lan kể: “Thỉnh thoảng có dịp đi Quy Nhơn, tôi và Chế Lan Viên thường ghé thăm anh… Mỗi khi chúng tôi đến, Tử từ căn phòng con ở sau phòng khách đi ra đón, vẻ vui mừng. Tử đưa hai đứa tôi vào nhà, mời ngồi vào bộ salon đan bằng mây... Chúng tôi trò chuyện đủ thứ rồi đọc thơ cho nhau nghe… Mỗi khi cao hứng, Tử thường ngồi xếp bằng theo kiểu kiết già, người lọt thỏm vào lòng ghế, hai tay chống trên hai gối, đôi mắt lim dim vời vợi, xa xăm, rồi đọc thơ…”. Cũng theo nhà thơ Yến Lan, chính tại 20 Khải Định đã diễn ra những cuộc trao đổi, tranh luận để rồi hình thành một trường phái thơ mang tên “Trường Thơ Loạn”.
Ngôi nhà 20 Khải Định là nơi hội ngộ, gặp gỡ của khá nhiều văn nhân, thi sĩ, như: Yến Lan, Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Hoàng Tùng Ngâm, Bùi Tuân, Hoàng Trọng Quy, Bửu Đáo, Trần Kiên Mỹ, Quỳnh Dao, Thúc Tề, Lê Đình Ngân… Ngoài ra, đây cũng nơi diễn ra mối tình đầu của Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc (tức Hoàng Thị Kim Cúc).
Bấy giờ, Hàn Mạc Tử làm thư ký tại Sở Ðạc Ðiền Quy Nhơn, nơi thân phụ của Hoàng Cúc là ông Hoàng Phùng làm thương tá. Nhà của Hoàng Cúc cũng nằm trên đường Khải Định, gần nhà Hàn Mặc Tử. Chính thời gian này Hàn Mặc Tử đã cho ra đời một số bài thơ tỏ tình thầm kín với Hoàng Cúc. Tiêu biểu trong số này là bài Hồn cúc và bài Vịnh hoa cúc.
Ông Nguyễn Văn Xê (ngồi phía trước) trong một lần viếng thăm khu tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa.
Một địa chỉ khác nằm cách 20 Khải Định không xa là Nhà Xẹc Quy Nhơn (tức Câu lạc bộ thể thao - Cercle Sportif, đoạn gần chùa Long Khánh, đường Tăng Bạt Hổ - Quy Nhơn). Đây cũng là một địa chỉ mà Hàn Mặc Tử để lại nhiều dấu ấn. Tại đây đã hình thành và ra đời nhóm Thái Dương Văn Đoàn, với những văn sĩ, trí thức, như: Nguyễn Minh Vỹ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên Hoàng Diệp, Nguyễn Viết Lãm, Yến Lan, Phú Sơn… Bên cạnh đó, Thái Dương Văn Đoàn còn cho ra mắt tập san Nắng Xuân. Trong tập san này, ngoài những sáng tác thơ còn có tiểu phẩm Ông nghị gật của Trật Sên (một bút danh khác của Hàn Mặc Tử)…
Ngoài ra, còn một số địa chỉ từng lưu lại dấu ấn Hàn Mặc Tử khi nhà thơ phải đi lánh bệnh, như: Gò Bồi (Tuy Phước), Xóm Ðộng, Xóm Tấn, Gò Bồi, Ghềnh Ráng, nhà thương Quy Nhơn… Đặc biệt là những dấu ấn của Hàn Mặc Tử ở Trại phong Quy Hòa. Theo người bạn đồng bệnh Nguyễn Văn Xê, thời điểm Hàn Mặc Tử vào Trại là sáng 20.9.1940, với hồ sơ mang số thứ tự 1134. Và, đến 11.11.1940, chỉ sau 52 ngày vào Trại, Hàn Mặc Tử qua đời. Điều đáng nói, trong những ngày tháng cuối cùng, Hàn đã kịp ghi dấu ấn qua 2 tập thơ Đời + Cầu nguyện và bài thơ La pureté de I’ame (Linh hồn thanh khiết)… Theo bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc Bệnh viện phong Quy Hòa, Hàn Mặc Tử qua đời không phải do bệnh phong mà do bệnh kiết lỵ.
Và, dấu ấn cuối cùng của Hàn Mặc Tử trên đất Bình Định là ngôi mộ cải táng ở khu đồi Ghềnh Ráng - Quy Nhơn. Theo ông Nguyễn Bá Tín, cuộc cải táng do gia đình Hàn thực hiện vào tháng 2.1959.
Vậy là tròn 80 năm ngày nhà thơ Hàn Mặc Tử đi xa. 8 thập niên đã trôi qua, song những dấu ấn mà Hàn để lại trên đất Bình Định vẫn còn in đậm trong trái tim của những người yêu thơ. Giờ đây, Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa và khu mộ nhà thơ đã trở thành địa chỉ mà nhiều văn nghệ sĩ, những “tao nhân mặc khách” và đông đảo người yêu thơ trong và ngoài nước tìm về để tưởng nhớ ông.
VIẾT HIỀN