Vĩnh Lợi: Vạn chài đa sắc đa màu
Ðó là vùng đất có đầm, có biển, có đồi cát mịn màng trải dài hàng cây số, có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, đời sống sinh hoạt đậm đặc chất biển- vạn chài Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ).
cần nói ngay là tôi đã phải lòng Vĩnh Lợi. Dạo quanh vạn chài Vĩnh Lợi khá rộng lớn với nhiều khu dân cư ở 3 thôn, thấy thứ gì cũng muốn dừng chân ngắm nghía săm soi, nhất là với một kẻ ở phố như tôi. Đi dọc tuyến đường kè ven biển ở hai thôn Vĩnh Lợi 1 và Vĩnh Lợi 2, nhiều lần tôi dừng lại khoan khoái tận hưởng những làn gió mát rượi, ngắm toàn cảnh vẻ đẹp đầm Đạm Thủy rộng mênh mông, phía sau là những dãy núi trập trùng. Trên cái nền biển đầm xanh ngắt đẹp đẽ ấy, vùng ven đầm nơi đây như trở thành một khu trưng bày các loại sõng, thúng chèo, thúng máy, tàu cá vỏ gỗ, tàu cá vỏ sắt… Nét đẹp này của vạn chài Vĩnh Lợi không phải vạn chài nào cũng còn giữ được.
Ngư dân vạn chài Vĩnh Lợi đánh bắt trên đầm Đạm Thủy.
Đứng trên bờ kè, xem ngư dân lội nước ra buông lưới gần bờ, các cặp vợ chồng chèo sõng làm nghề lưới gõ. Tiếng mái chèo tay cỡ nhỏ gõ gõ vào hai bên sõng, cách cách, cành cạch; thang âm xua cá vào lưới, xen lẫn tiếng máy tành tạch của những tàu cá ven bờ không dưng lại thành một hòa tấu thôn dã như tự ngàn đời truyền về bất tận yên bình.
Tín ngưỡng thờ cá ông (cá voi) ở lăng Ông Nam Hải phổ biến ở rất nhiều làng chài Việt Nam, nhưng hiếm nơi nào được như thôn Vĩnh Lợi 3 khi cùng lúc có đến hai lăng ông cách nhau chỉ vài trăm mét. Trong đó, được xây dựng cách đây 230 năm, với không gian rộng rãi hơn, đang lưu giữ vài chục bộ cốt cá ông, cùng 5 sắc phong của các đời vua nhà Nguyễn, không gian lăng mở ra phía đầm khoáng đạt, lăng Từ đường là một trong những lăng ông quy mô lớn, đẹp và lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Đình Vĩnh Lợi được xây dựng ở lưng chừng núi, mặt tiền hướng về đầm Đạm Thủy.
Từ lăng Từ đường đi bộ ven đầm qua nhiều ngôi nhà rợp mát bóng dừa trong làng chài, ra đến khu vực gần bến đò Vĩnh Lợi có lăng Đại với thế tọa sơn ngọa thủy, được xây dựng ở lưng chừng núi và mặt tiền hướng về đầm bên dưới. Lăng Đại gắn liền với câu chuyện huyền bí về bộ cốt cá voi khổng lồ được thờ nơi đây. Theo lời các cụ cao niên, hàng trăm năm trước, Ông (cách gọi thành kính của ngư dân) dạt vào bờ biển Vĩnh Lợi; ông dài tới hơn 20 m. Bộ cốt Ông này ban đầu được thờ chung ở lăng Từ đường, nhưng một ngày nọ cách đây quãng 80 - 90 năm Ông báo mộng cho nhiều cụ tiên chỉ trong vạn chài biết, ông muốn thờ riêng, nơi thờ nên xây ở đó… ở đó… Do nhiều cụ có cùng giấc mơ nên người trong vạn chài thống nhất xây dựng lăng Đại để thờ riêng. Đây cũng là việc hy hữu gần như chỉ có ở vạn chài Vĩnh Lợi.
Đời sống tâm linh của người dân vạn chài Vĩnh Lợi khá đa dạng, phong phú. Ở đây có cả đình, chùa, miếu, dinh thờ… có cái nằm riêng biệt một nơi, có công trình lại tiếp giáp đan xen giữa khu dân cư. Nhưng dù có tọa lạc như thế nào thì các công trình này cũng kết nối mật thiết với cộng đồng dân cư xung quanh. Đình Vĩnh Lợi là một ví dụ, đình có lối thiết kế theo kiến trúc truyền thống, có cổng tam quan uy nghi, khu nhà thờ chính trang nghiêm với hai cột lớn đắp nổi hình rồng tinh xảo, sân đình có bàn ghế đá để khách ngồi ngắm cảnh đầm.
Đồi cát Vĩnh Lợi.
Điểm đến khiến khách phương xa bất ngờ là động cát trải dài nhiều cây số. Để khám phá một trong những khu vực đồi cát đẹp nhất, bạn đi qua chợ Vĩnh Lợi rồi theo con đường mòn về phía bãi biển. Đi bộ khoảng hơn 500 m băng qua những đồi cát thoai thoải, thích thú tăng dần khi bắt đầu tiến đến gần khu đồi cát cao khoảng 30-40 m, có những chỗ uốn lượn tạo đường cong cuốn hút ánh nhìn... Trèo lên đỉnh đồi cát, ngắm cảnh càng đẹp hơn khi ngay phía dưới là bãi biển bắt đầu từ khu vực ghềnh đá núi cạnh đồi cát ở phía Nam rồi trải dài ngút ngàn tầm mắt về phía Bắc.
Tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vỹ, thỏa thích chụp những bức ảnh ấn tượng trên đồi cát là trải nghiệm khó quên ở vạn chài Vĩnh Lợi.
HOÀI THU