Thúc đẩy kinh tế du lịch liên vùng miền Trung
Trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra sáng nay 28.11 tại tỉnh Quảng Nam, nhiều lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp đã đóng góp hàng loạt hiến kế về phát triển du lịch tại địa phương cũng như liên vùng các tỉnh miền Trung.
Quang cảnh buổi ký kết liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố trưa 28.11
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thời gian qua không ngừng được nâng cao. Tỷ trọng đóng góp từ du lịch vào GDP của đất nước ngày càng lớn, từ 8,3% năm 2018 lên 9,2% năm 2019. Du lịch tăng trưởng đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội cho người dân. Du lịch đã góp phần nâng cao hiểu biết, hữu nghị, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
Tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu tổn hại nặng nề nhất. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Qua đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan tỏa của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan. Vấn đề của ngành du lịch hôm nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan.
“Đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch, cơ cấu lại thị trường du lịch, liên kết vùng, hợp tác công-tư và vấn đề chuyển đổi số trong phát triển du lịch… chính là những vấn đề cần triển khai thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch TPHCM đã có những bước phát triển nhanh chóng, khẳng định vị trí quan trọng trong ngành du lịch Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành du lịch TP đạt tốc độ tăng trưởng tốt; tỷ lệ đóng góp du lịch vào GRDP của TP dao động trong khoảng 10%-11%/năm; tăng trưởng khách quốc tế đến TPHCM bình quân đạt hơn 16%/năm, xấp xỉ 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; tăng trưởng khách nội địa đạt 14%/năm, chiếm khoảng 1/3 lượng khách nội địa cả nước; tổng thu du lịch đạt hơn 13%, chiếm bình quân 22% tổng thu du lịch của Việt Nam.
Để liên kết hợp tác phát triển du lịch thật sự trở thành động lực phát triển du lịch trong thời gian tới, TPHCM đề xuất 5 giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất, việc hợp tác phát triển du lịch phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tận dụng và tranh thủ lợi thế của công nghệ số.
Thứ ba, tập trung phát triển thị trường khách nội địa trong bối cảnh chưa mở cửa thị trường khách quốc tế.
Thứ tư, phát triển du lịch phải bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.
Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, địa phương đã tập trung xây dựng, phát triển dịch vụ đô thị thông minh khá sớm. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ thông tin ICT để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vấn đề được người dân quan tâm như: giao thông, du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa... Tỉnh tập trung hai khía cạnh: quản lý, điều hành thông minh với chính quyền, doanh nghiệp và trải nghiệm các tiện ích thông minh với du khách.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group thông tin, hiện tại các cấp ngành, doanh nghiệp đều phải vừa phòng chống dịch, vừa ưu tiên đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Qua khảo sát của Saigontourist, bên cạnh lo lắng sức khỏe, người dân còn lo lắng về tài chính, làm sao có thể về nhà an toàn, đi đến nơi, về đến chốn. Ông Võ Anh Tài đề xuất các bộ ngành nên có cơ chế kịch bản phối hợp liên tục, liên ngành, liên vùng. Bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực, chuyển mình của Quảng Nam nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, nhiệm kỳ vừa rồi có sự tăng trưởng mạnh về số phòng khách sạn, cơ sở du lịch lớn… Chẳng hạn như: tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng của tập đoàn Mường Thanh; Vinpearl (Khánh Hòa); Sungroup (Đà Nẵng); FLC (Thanh Hóa); cũng như các tổ hợp khách sạn khác đang chuẩn bị đưa vào khai thác ở Bình Định, Quảng Nam… Ngành du lịch Việt Nam đã đi những bước rất dài, hình thành các khu tổ hợp du lịch đạt đẳng cấp, quy mô quốc tế. Tuy có những tiến bộ lớn, nhưng ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như yếu tố môi trường, ùn tắc giao thông,…
“Du lịch phải hướng đến chất lượng cho đa dạng các phân khúc. Tiếp theo là tái cơ cấu thị trường khách. Trong bối cảnh hiện nay cần tập trung nâng cao dòng khách nội địa, giúp người Việt được trải nghiệm dịch vụ vốn chỉ dành cho khách nước ngoài. Kế đến chính là yếu tố an toàn. Nhớ lại câu chuyện diễn ra vào tháng 6, tháng 7-2020 tốc độ du lịch tăng rất tốt, nhưng sau đó dịch bùng phát đợt 2 khiến du lịch chững lại. Đây là khoảng thời gian doanh nghiệp nhìn lại chính mình, xây dựng các sản phẩm đảm bảo, an toàn để đưa khách đến. Thêm nữa, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển công nghệ số, thay vì các nền tảng số dùng chung như hiện nay đều do các doanh nghiệp nước ngoài quản lý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại hội nghị.
Theo NHÓM PV (SGGP)