Cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Những dấu ấn mới
Trong năm 2020, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia có nhiều chuyển biến, ghi nhận những dấu ấn mới mang tính đột phá.
Chứng thực điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại bộ phận một cửa của UBND xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân.
Việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC của tỉnh và tích hợp trên Cổng DVC quốc gia nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc An, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác triển khai thực hiện nên chất lượng cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh trong thời gian gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần mang lại nhiều lợi ích cho các cơ quan nhà nước và người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo phương thức trực tuyến.
Trong năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 3.562 hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng DVC quốc gia và 28.124 hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng DVC của tỉnh.
Đáng chú ý, UBND các xã, phường, thị trấn và phòng tư pháp cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã cung cấp 4.558 bản sao chứng thực điện tử từ bản chính trên Cổng DVC quốc gia. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ DVC trực tuyến có thành phần hồ sơ được chứng thực điện tử như: UBND các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và TP Quy Nhơn (đối với nhóm TTHC liên thông “Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế của hộ kinh doanh”), Sở Tư pháp (đối với TTHC “Cấp phiếu lý lịch tư pháp”)...
“UBND tỉnh đã chú trọng hoàn thiện về mặt thể chế, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác kiểm soát TTHC, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, góp phần tạo hành lang pháp lý ổn định cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ được giao. Ðồng thời, phục vụ tốt cho công tác đánh giá, so sánh tương quan kết quả thực hiện, đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch; đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÂM HẢI GIANG
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, tích hợp nền tảng hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVC quốc gia, đảm bảo cho việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến đối với các TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của tỉnh, mang lại thuận lợi rất lớn cho người dân, DN.
Cụ thể, tỉnh đã hoàn thành việc kết nối và triển khai cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVC quốc gia trong thực hiện các TTHC lĩnh vực đất đai kể từ ngày 20.12.2020. Theo đó, đối với các hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai thuộc đối tượng hộ gia đình, cá nhân giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, công dân có thể thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên Cổng DVC quốc gia sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế. Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát sinh 64 giao dịch thanh toán trực tuyến, với tổng số tiền thanh toán là hơn 144 triệu đồng. Các đơn vị có phát sinh giao dịch là: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối và triển khai cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 đối với 2 TTHC: “Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng” và “Cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ” trên Cổng DVC quốc gia kể từ ngày 28.12.2020. Theo đó, đối với các hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố, công dân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia thay vì giao dịch trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30.12.2020, toàn tỉnh đã phát sinh 3 giao dịch tại UBND huyện Hoài Ân.
Vẫn còn những nơi “chưa động”
Bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động, tích cực đề ra giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự giác của DN, người dân, dẫn đến số lượng hồ sơ trực tuyến giao dịch rất thấp, không đảm bảo theo quy định.
Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ “Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” vẫn chậm chuyển biến tại một số địa phương, số lượng phát sinh hồ sơ rất thấp. Tính đến nay, UBND huyện Hoài Ân có 3.969 hồ sơ, UBND TP Quy Nhơn có 354 hồ sơ. Thế nhưng, có đến 4 địa phương chỉ vỏn vẹn 5 hồ sơ, gồm UBND TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát.
Bài, ảnh: MAI LÂM