Sáng tạo, đổi mới công tác cải cách hành chính
Nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng những giải pháp đổi mới để thực hiện cải cách hành chính là khâu đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong năm 2021 cũng như về lâu dài.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo khảo sát, mức độ hài lòng của người dân, DN, tổ chức năm 2019 về dịch vụ hành chính công đạt trên 82%, dịch vụ công trên lĩnh vực y tế, giáo dục đạt trên 80%. Việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị đảm bảo tiến độ. Đến nay, 7,2% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ chuyên môn sau đại học và tương đương; 98% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn đạt chuẩn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh cũng còn một số mặt hạn chế. Một số nội dung CCHC không tạo được sự đột phá, tuy có chuyển biến nhưng kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh chưa cao, còn thiếu tính ổn định. Việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên thông của các cơ quan có liên quan còn nhiều hạn chế, tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ còn phổ biến trên một số lĩnh vực; việc triển khai và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chưa thực sự hiệu quả...
●Trước những kết quả cũng như hạn chế đó, công tác CCHC của tỉnh trong năm 2021 đặt ra những yêu cầu chủ yếu nào, thưa ông?
- Đầu tiên là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và bình xét thi đua, khen thưởng; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC.
Đồng thời, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của tỉnh theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC của Bộ Nội vụ; phấn đấu nâng cao thứ hạng Chỉ số CCHC của tỉnh trong các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng những giải pháp đổi mới để thực hiện CCHC, xem đây là khâu đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của mỗi cơ quan, đơn vị.
● Xin ông cho biết những giải pháp chủ yếu trên từng lĩnh vực của công tác CCHC để đáp ứng yêu cầu sáng tạo, đổi mới công tác CCHC?
- Trong công tác chỉ đạo, điều hành, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, phương pháp, nội dung nhằm đổi mới cách đánh giá chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân và DN về sự phục vụ của các cơ quan hành chính bảo đảm tính khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phản ánh toàn diện, khách quan kết quả triển khai thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; coi trọng việc thí điểm các mô hình mới, các sáng kiến về CCHC để đánh giá, rút ra những vấn đề cần xử lý tiếp và nhân rộng nếu thấy phù hợp.
Người dân thực hiện giao dịch TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.V.T
Về cải cách thể chế, quan trọng nhất là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy chế phối hợp để đẩy mạnh việc thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC hoặc nhóm TTHC có quy định trách nhiệm thực hiện của nhiều cơ quan, đơn vị, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
Với cải cách TTHC, cần tiếp tục hoàn thiện các quy trình giải quyết TTHC, nhất là các TTHC liên thông giữa các ngành, các cấp; thực hiện, kiểm soát trách nhiệm giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; giảm nhanh tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn...
● Trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và DN, công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?
- Trong năm 2021, chỉ tiêu quan trọng là phấn đấu trên 60% hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương có liên quan đến người dân, DN được đưa vào vận hành và kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tỷ lệ hồ sơ công việc (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) được xử lý trên môi trường mạng đạt từ 70% đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 60% đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện và 40% đối với UBND cấp xã. Tối thiểu 50% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về KT-XH phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.
Giải pháp chính đặt ra là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy chế, quy định thay thế các quy chế, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh để có những quy định phù hợp cho phát triển Chính quyền số. Triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định (phiên bản 2.0) nhằm triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đồng bộ, bảo đảm kết nối, liên thông, tránh đầu tư trùng lặp.
Đồng thời, đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai các phần mềm nền tảng, ứng dụng và cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh phục vụ phát triển chính quyền điện tử/chính quyền số và đô thị thông minh tỉnh Bình Định.
Cùng với đó là xây dựng phần mềm kho dữ liệu văn bản điện tử để lưu trữ toàn bộ dữ liệu văn bản điện tử; lưu trữ quá trình xử lý văn bản điện tử của các cơ quan trong tỉnh; hỗ trợ việc tra cứu, báo cáo, khai thác… nguồn dữ liệu đã được kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã...
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)