Ðảng là cuộc sống của tôi - Kỳ 1: Phát huy sức dân, tạo động lực mới
LTS: Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII là dấu mốc quan trọng để chúng ta cùng nhìn lại và thêm tin tưởng, tự hào về những thành tựu của quê hương, đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong 91 năm qua. Báo Bình Ðịnh trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết Ðảng là cuộc sống của tôi (3 kỳ), ghi dấu những đổi thay trên quê hương Bình Ðịnh.
Kỳ 1: Phát huy sức dân, tạo động lực mới
Chúng tôi đi tìm câu trả lời trong những ngày tháng Chạp tươi màu nắng, khi nhựa sống căng tràn trên mọi nẻo đường quê hương. Nguồn sinh lực tiềm tàng trong nhân dân được các cấp ủy Ðảng, chính quyền khơi dòng, lan tỏa đến từng mao mạch. Chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay ở những thôn xóm đi qua từ nụ cười, ánh mắt của đồng bào khu vực phía Bắc tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (người ở giữa hàng đầu) trong chuyến thăm, tặng quà dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người dân tại xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân.
Chúng tôi tin vào Đảng từ đảng viên
Những ngày cuối năm, vùng trung du Hoài Ân trời rất trong và nắng rất vàng. Đất này vốn nổi tiếng là đất học, Văn chỉ Hoài Ân là một minh chứng. Cũng không phải tình cờ mà Hoài Ân là địa phương được giải phóng sớm nhất tỉnh ta - từ năm 1972.
Chuyện xưa cũ không ai quên, nhưng bây giờ nhắc tới xứ trung du là nhắc tới “thủ phủ” chăn nuôi, trồng cây ăn quả của tỉnh, Hoài Ân trù phú và giàu có. Chỉ mươi năm mà xứ này như lột xác. Nghe chúng tôi thắc mắc, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cười cười: “Hoài Ân có nhiều tiềm năng về chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Nhưng làm thế nào để kích hoạt tiềm năng đó trong dân, khiến dân hăng hái làm mới là vấn đề. Chúng tôi quán triệt rất rõ ràng, cái gì có lợi cho dân phải cương quyết làm cho được, muốn dân tin và làm theo phải có những hình mẫu và không ai khác ở cơ sở chính các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tiên phong”.
Huyện Hoài Ân phát triển mạnh mô hình trồng cây ăn quả, đưa địa phương trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của đất Bình Định.
Đón chúng tôi đến tham quan vườn cây ăn quả, anh Trần Đức Việt, ở thôn Ân Hòa, xã Ân Phong tươi cười: “Đất này trước đây, người dân chủ yếu trồng keo lai. Thấy hiệu quả kinh tế không cao, huyện động viên, hỗ trợ dân chuyển sang trồng cây ăn quả; giờ đã thành một vùng cây trái trù phú. Tôi đã chuyển phân nửa diện tích rừng keo rộng 10.000 m2 sang trồng mít Thái, bưởi da xanh, cam, quýt… Chỉ sau mấy năm, thu nhập từ cây ăn quả đạt mức hơn 200 triệu đồng/năm. Trong quá trình làm quen với cách thức canh tác mới, tiếp cận vốn vay ưu đãi, cũng như nhiều hộ ở đây, tôi được anh Thái Thành Việt, một cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên hướng dẫn chọn cây giống, bón phân, ảnh đến tận vườn hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh…”.
Trả lời câu hỏi hơi khích khích của tôi - Anh có lợi ích gì không mà… hăng dữ, bà con ca ngợi anh quá, anh Thái Thành Việt, chỉ cười: Chắc bà con họ thương nên mới nói với mấy anh quá lên như thế. Chứ mình là cán bộ khuyến nông, giúp bà con là trách nhiệm phải làm, hơn nữa mình là đảng viên phải tiên phong gương mẫu.
Làm cho dân tin không phải là dễ, đòi hỏi mất nhiều thời gian, đầu tư tâm trí. Nhưng khi dân đã tin tưởng, nhất là ở chuyện làm ăn, những chuyện còn lại trở nên hanh thông dễ dàng. Chính sự quan tâm sâu sát của cán bộ huyện, xã khiến dân tin tưởng, những thành công ban đầu truyền cảm hứng sang những chương trình khác mau chóng đi vào thực tế hơn! Hoài Ân là địa phương chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người dân miền núi để đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của TX Hoài Nhơn.
“Mừng lắm, cảm ơn cán bộ!”
Lần nào trở lại TX Hoài Nhơn, chúng tôi cũng thấy sự đổi thay của vùng đất trung tâm kinh tế phía Bắc tỉnh. Sự đổi thay liên tục đó bắt đầu từ tư tưởng, cách làm đột phá của lãnh đạo địa phương - đánh thức sức dân để dồn lực phát triển các mặt KT-XH. Ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn đúc kết: Khi cán bộ, đảng viên sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, nỗ lực làm việc vì dân, bà con sẽ tin tưởng cùng đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương.
Như chứng minh cho lời ông Phạm Trương, cụ Trần Bảy, 78 tuổi, ở khu phố Thuận Thượng 2, phường Hoài Xuân, hồ hởi nói: “Tôi đã vào cái tuổi xưa nay hiếm rồi, chưa bao giờ thấy người dân vui như hôm nay. Quê hương đổi thay nhiều; nên khi xã, thôn vận động hiến đất mở rộng đường, tôi cũng như bà con ủng hộ ngay. Riêng tôi hiến hơn 200 m2 đất! Đường xá được mở rộng, tráng nhựa, đúc bê tông sạch sẽ, bà con đi lại thuận lợi!”.
Việc người dân ngày càng nâng cao nhận thức chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước là hệ quả tích cực. Ngư dân Trần Minh Hiệp, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, tâm tình: “Các chính sách hỗ trợ ngư dân của Đảng, Nhà nước đều được chính quyền công khai, minh bạch, hướng dẫn bà con thực hiện và cán bộ địa phương nhiệt tình hỗ trợ khi ngư dân gặp vướng mắc. Khi đã nắm rõ các quy định, ngư dân tự tuyên truyền với nhau cùng thực hiện vì sinh kế lâu dài của chính mình”.
Huyện miền núi An Lão từng bước đầu tư hạ tầng nông thôn tạo diện mạo khởi sắc.
- Trong ảnh: Một góc xã An Dũng mới.
Từ một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, huyện An Lão đã tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương để phát triển KT-XH, đưa địa phương từng bước vươn lên, diện mạo nông thôn khởi sắc, cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định. Bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Văn Nam tâm tình: “Để thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số không phải ngày một, ngày hai là làm được, mà là cả một quá trình vận động, truyên truyền, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, hướng dẫn bà con trong thời gian dài, đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng, thành công lớn nhất là sau nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ liên tục thuyết phục, động viên giờ đồng bào dân tộc thiểu số đã thạo trồng làm lúa nước thâm canh, dùng giống lúa lai, biết phát triển chăn nuôi tập trung, làm kinh tế vườn, không còn phá rừng để làm nương rẫy như trước”.
Việc hỗ trợ kịp thời, cùng với sự sâu sát của cán bộ là động lực để nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Anh Đinh Văn Hơn, ở thôn 4, xã An Quang, tâm tình: “Hồi trước nhà mình khổ lắm! Cứ lên rừng đốn củi, đốt than để kiếm sống. Sau nhờ cán bộ huyện quan tâm động viên cho vay vốn, cán bộ xã cầm tay chỉ việc, mình biết nuôi heo bò, nhận khoán bảo vệ rừng cũng nhờ cán bộ chỉ bày, động viên. Mình được huyện cho 4 con heo đen để nuôi, cán bộ xã hướng dẫn cách nuôi sao cho tốt. Từ vài con heo, mình để dành mua thêm gà, dê về nuôi, trồng rừng nữa. Gia đình mình giờ khấm khá lắm. Nghĩ mình giờ đủ ăn đủ mặc thoải mái, rất biết ơn cán bộ xã, huyện mất thời gian vất vả chỉ bày. Thỉnh thoảng gặp nhau ai cũng vui, vợ mình mừng lắm, cảm ơn cán bộ mà vừa cười vừa khóc!”.
H. THU - N. NHUẬN - T. DỊU - T. KHUY
Kỳ 2: Phát triển kinh tế song hành phát huy bản sắc văn hóa