Ðảng là cuộc sống của tôi - Kỳ 2: Phát triển kinh tế song hành phát huy bản sắc văn hóa
Kỳ 2: Phát triển kinh tế song hành phát huy bản sắc văn hóa
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Thấu hiểu điều đó, tại nhiều huyện, xã, thôn trong tỉnh, những người lãnh đạo địa phương biết rằng nếu nhân dân chỉ giàu có lên về kinh tế thì chưa đủ.
Đồng bào Bana cảm ơn Đảng, Nhà nước!
5 - 7 năm trước, nhắc đến cồng chiêng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh (huyện Vĩnh Thạnh) nhiều lần không nén được hơi thở dài. Là người sát sao từng hoạt động văn hóa, nếp sống của người dân, việc thưa vắng dần tiếng cồng chiêng khiến ông không vui. Vậy nên khi nghe Tỉnh ủy Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy giá trị cồng chiêng, ông già ở tuổi xưa nay hiếm bảo: Tôi mừng vui suốt mấy tháng trời!
Cồng chiêng là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số.
- Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh đánh cồng chiêng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Vĩnh Thạnh.
Rất nhanh sau đó, vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, 119 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nhận đủ 119 bộ cồng chiêng hỗ trợ của Tỉnh ủy. Đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng trực tiếp trao tặng tất cả các bộ cồng chiêng và gởi gắm niềm mong mỏi đồng bào tiếp tục giữ gìn thanh âm của núi rừng, động viên cháu con phát huy di sản của tổ tiên.
Đáp lại kỳ vọng này, chỉ một thời gian ngắn sau, nhiều huyện lần lượt tổ chức ngày hội, liên hoan cồng chiêng địa phương. 1 năm sau đó, tháng 9.2019 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), tỉnh tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I - năm 2019. Liên hoan diễn ra trong không khí sôi nổi và thấm đẫm âm vang tự hào.
Hôm rồi, gặp lại Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, ông hớn hở, tay bắt mặt mừng dắt chúng tôi lên nhà rông làng. Đôi mắt của ông già chuẩn bị bước sang tuổi 83 sáng bừng lên, giọng nói hồ hởi như vang vọng ra cả vùng rừng xanh trước mặt: “Tôi nhớ mãi lời anh Tùng Bí thư Tỉnh ủy nói - Không ai làm thay bà con được đâu, chính bà con phải giữ cồng chiêng. Cồng chiêng đã trở lại với cả những làng xa. Thay mặt bà con, tôi - người già Đinh Chương nhờ báo Đảng Bình Định chuyển lời cảm ơn của đồng bào Bana tới Đảng, Nhà nước. Cảm ơn rất nhiều!”
Tại những đám cưới, tiệc mừng, ngày lễ, ngày tết ở những làng, xóm miền núi, trung du của đồng bào Bana, H’rê, Chăm Hroi tại các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, nay không thể thiếu tiếng cồng chiêng - điều mà mấy năm trước những người mơ mộng nhất cũng không dám hình dung.
Miền núi là thế, ở đồng bằng, mọi người cũng đang náo nức cho hội đánh bài chòi.
Ngày nào cũng là Xuân, là Tết
Tại một cuộc gặp mặt chúc mừng năm mới, nhân câu chuyện về hội bài chòi dân gian, sau một hồi chia sẻ cảm xúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh vừa đặt ra vấn đề, vừa như gởi gắm và… giao nhiệm vụ: “Bài chòi là vốn quý ta thừa tự của tổ tiên. Không phải chỉ giữ gìn sử dụng không đâu, anh em mình phải làm sao để của cải được thừa tự giàu có thêm nữa!”. Dùng mà không mòn khuyết đi, lại làm cho giàu có thêm, ấy là nguyên lý trong giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.
Hội thi hô hát bài chòi cổ được TP Quy Nhơn duy trì tổ chức vào mỗi dịp Tết cổ truyền.
Tuần trước, thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) gọi thông báo nhà trường sắp ra mắt CLB bài chòi của học sinh. Học sinh tiểu học hát bài chòi, cũng chẳng phải chuyện lạ. Bởi cách đây hơn 4 năm, huyện Tuy Phước đã ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngay sau đó huyện liên tục tập huấn, thành lập các CLB bài chòi. Cứ thế, điệu hô hát bài chòi không chỉ vang lên mỗi dịp Lễ hội Chợ Gò mà còn len lỏi khắp thôn, xóm...
Tuy Phước không chỉ có bài chòi mà còn có tuồng, có bả trạo. Ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, nhiều người lo lắng khi biết Nghệ nhân Ưu tú Hồ Thành Long, người dẫn dắt đội bả trạo lão luyện bậc nhất tỉnh, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục. May thay, sau thời gian điều trị bệnh, ông Long đã tạm ổn. Ông bồi hồi kể: “Ngày bị bệnh, tôi nghĩ thế là xong rồi, lo sức khỏe một phần, một phần lo riêng cho bả trạo. Bất đồ, nhà tôi được đón lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đến thăm. Phải nói là tôi hết sức ngỡ ngàng. Mấy ảnh động viên, Tuy Phước là quê hương của bả trạo, đội bả trạo Bình Thái là một “nhãn hiệu” uy tín không chỉ của Tuy Phước mà còn là của cả tỉnh, anh cố gắng làm sao truyền nghệ cho người trẻ. Thiệt ra mấy ảnh không đến động viên, tự tôi cũng muốn nhanh khỏi bệnh đặng đi tìm người truyền dạy vai tổng sanh. Nhưng có mấy ảnh, nhờ trời tự nhiên tôi khỏe nhanh hơn. Dù yếu nhưng tôi có thể nói được, nhớ được, tôi tìm ra người chịu học rồi. May mắn lắm, chứ Lễ hội cầu ngư quê tôi mà không có bả trạo thì làm sao mà vui nổi”.
Tiễn chúng tôi ra về, Nghệ nhân Ưu tú Hồ Thành Long tâm sự: tuy khuất nẻo nơi cuối dòng sông Côn, lại ở ven đầm Thị Nại, nhưng nhờ địa lợi, làng Bình Thái này ấm no nhiều đời; nay nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm nên tuồng có, bài chòi có, đội bả trạo của làng lại nổi tiếng cả nước. Không thể nghĩ lãnh đạo huyện lại biết và lo luôn cho bả trạo khi nghe tôi đau nặng! Bình Thái này ấm no đủ đầy lại vui tươi như thế thì ngày nào cũng là Xuân, là Tết.
Gìn giữ & sáng tạo
Với người dân Bình Định, ngày giỗ Vua Quang Trung 29.7 âm lịch hằng năm là dịp sum vầy đầy tự hào. Đặc biệt, nếu như trước đây, Lễ giỗ Vua do nhân dân làng Kiên Mỹ đóng góp tổ chức, sau đó, có phần đóng góp của Bảo tàng Quang Trung, thì mấy năm gần đây, Sở VH&TT tổ chức lễ giỗ. Những năm chẵn, UBND tỉnh sẽ tổ chức.
Dù đơn vị nào tổ chức, lễ giỗ Vua hằng năm vừa trang nghiêm lại giữ được tinh thần đùm bọc, sẻ chia, đậm chất văn hóa dân tộc. Ngày giỗ Vua ngày càng đông người về dự, không chỉ có dân trong tỉnh, mà bà con cả nước cũng về rất nhiều. Bà Võ Thị Thanh Tâm, người dân gần Bảo tàng Quang Trung, chia sẻ: “Giỗ Vua trở thành ngày hội văn hóa, cứ tới ngày này ai cũng mong ngóng được góp sức mình vào lễ giỗ, ai cũng mang trong lòng niềm thành kính thiêng liêng”.
Nhắc đến Phước Hưng (huyện Tuy Phước) là nhắc đến những con đường hoa. Chỗ nào có hoa thì không có rác.
Nét đẹp văn hóa quê hương đôi khi không hiển lộ rõ ràng, mà như một mạch ngầm, âm ỉ nhưng mạnh mẽ. Hội Thọ xuân ở thôn Vĩnh Hy, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước là một ví dụ. Trong không khí nao nức đón xuân sang, người dân thôn Vĩnh Hy tất bật chuẩn bị cho Hội Thọ xuân - ngày hội tôn vinh và chúc thọ các cụ cao tuổi. Chỉ sau 3 năm tổ chức, lễ hội này đã thành lễ hội truyền thống của Vĩnh Hy. Và đến nay ở Bình Định chỉ mới có Vĩnh Hy tổ chức được hoạt động giàu ý nghĩa này.
Ông Trần Vũ Bảo, Trưởng thôn Vĩnh Hy, cho biết: “Năm nay dù dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn nhưng thôn cũng đã góp được 20 triệu đồng để tổ chức lễ hội tôn vinh các cụ. Hội Thọ xuân đã thành một phần đời sống tinh thần của người dân, và còn gắn kết tình làng nghĩa xóm. Đảng ủy, UBND xã cũng rất quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thôn chúng tôi tổ chức, duy trì lễ hội; tới đây sẽ bàn bạc, tổng kết để làm cơ sở nhân rộng đến các thôn khác”.
Một nét khác, nhắc đến Phước Hưng (huyện Tuy Phước), người ta sẽ nghĩ ngay đến xã nông thôn mới điển hình, nhưng với nhiều người yêu thích thiên nhiên, nhắc đến Phước Hưng là nhắc đến hoa. Thật hiếm có một xã nào lại chú ý đến cảnh quan như vậy. Ngoài việc kêu gọi trồng hoa ven đường, mới đây, xã tiếp tục đầu tư hơn 904 triệu đồng xây dựng 4 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 6,4 km và 540 bồn hoa, mỗi bồn trồng một cây muồng hoa vàng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ, điểm đáng chú ý nhất là quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy xã: “Chỗ nào có hoa thì không có rác”!
Đi qua từng ấy nơi, nghe từng ấy niềm vui, chúng tôi tin rằng dù đã trải qua một năm đầy khó khăn nhưng những thanh âm tươi vui vẫn sẽ cứ nối tiếp...
H. THU - T. KHUY - N. NHUẬN - T. DỊU
● Kỳ cuối: NIỀM TIN CỦA DÂN - SỨC MẠNH CỦA ĐẢNG