THẦY LÊ ĐỨC GIẢNG - THẦY DẠY CỦA TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC:
Tôi chỉ là người đưa đò một chặng…
“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy/ Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu”. Hẳn vậy mà lần nào về Bình Ðịnh công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng tranh thủ đến thăm thầy giáo cũ - thầy Lê Ðức Giảng. Lâu ngày không về thăm được, đồng chí lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe thầy.
Gia đình thầy giáo Lê Đức Giảng sống bình dị ở một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn. Nhắc đến việc mình từng là thầy dạy của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thầy Lê Đức Giảng nhã nhặn: Tôi chỉ là người đưa đò một chặng thôi, trước và sau chặng ấy còn có nhiều người khác nữa!
“Em là học trò nhỏ của thầy”
Để phục vụ yêu cầu công tác, một giai đoạn thầy Giảng sử dụng bí danh Phan Đức Hòa. Không mấy người hay, nhưng bà Phan Thị Cấu - vợ thầy - thì biết. Phan là họ của vợ, Hòa là tên con trai lớn, Đức là tên lót của ông. Chọn cho mình bí danh như vậy là một cách để thầy Giảng tự nhắc mình về nghĩa tào khang!
Sống nhân nghĩa, nghiêm khắc nhưng nhân từ, lại là một người uyên bác nên thầy Lê Đức Giảng được mọi người yêu quý, nhiều lớp học trò thương mến, trân trọng. Khi có ai đó hỏi về việc thầy có một người học trò thành công, tình cảm, ấm áp đến vậy, thầy Giảng chỉ cười hiền: “Trước khi về dạy ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, TP Hà Nội, tôi dạy ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Học sinh miền Nam hầu hết đều xa gia đình, cuộc sống khiến thầy trò thân thiết như người trong một nhà. Khi nhận nhiệm vụ, tôi không biết học sinh ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều như vậy không. Nói như thế để biết tôi cũng lo lắng trước khi đến dạy ở trường Nguyễn Gia Thiều. Thật ấm áp, khi học trò ở đây tình cảm và chịu khó học. Hồi đó, trò Nguyễn Phú Trọng làm bí thư chi đoàn, lớp trưởng. Rất nhiều buổi họp lớp chiều thứ Bảy, tôi chỉ định hướng, còn lại tất cả đều do trò Trọng quán xuyến. Nguyễn Phú Trọng có tố chất lãnh đạo từ hồi đó, phong cách khiêm tốn, giản dị, nên cả lớp ai cũng thương!”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm vợ chồng thầy Giảng. Ảnh tư liệu gia đình
Thời gian qua đi, thầy Lê Đức Giảng về hưu, người học trò nhỏ năm xưa nay đã là nguyên thủ quốc gia. Chuyến công tác nào về Bình Định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng tranh thủ đến thăm thầy. Có lẽ dù là ai, chức vụ nào thì đứng trước thầy, người ta vẫn rất nhỏ bé, ở tuổi xưa nay hiếm lại còn được cất giọng “Dạ thưa thầy!” thì đó là hạnh phúc không phải ai cũng có.
Bà Phan Thị Cấu kể: “Khi đến nhà, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị đoàn cán bộ tháp tùng, bảo vệ đứng ở xa, đủ để làm nhiệm vụ. Đồng chí nói rất rõ “muốn vào riêng thăm thầy để có không gian tâm sự, gần gũi với thầy mình”. Thầy trò nói chuyện với nhau rất thân tình. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn tặng ông nhà tôi một tập sách, nắn nót ghi là “Người học trò nhỏ của thầy”.
Thầy giáo Lê Đức Giảng ấm áp góp thêm: “Bước vào nhà thầy, Nguyễn Phú Trọng trở thành học trò, vẫn giữ phong thái giản dị vốn có, không khác ngày xưa. Xóm tôi thấy người lạ đến, lại có nhiều xe nên họ tập trung trước cổng nhà tôi. Trọng ra hỏi thăm, bắt tay từng người, tươi cười bồng những em nhỏ gần bên. Ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm chân thực của Trọng. Tôi chắc chắn như vậy, mà những ai đã biết Trọng đều tin như vậy, là vì cậu ấy xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Tôi đã đến nhà cậu ấy rồi, ở mạn Đông Anh ngoại thành Hà Nội. Độ về thăm trường cũ, cậu ấy cũng xin phép được mọi người gọi là học trò Nguyễn Phú Trọng và gọi toàn bộ giáo viên trong trường là thầy cô, xưng là em!”.
Một chặng đưa đò
Đợt về thăm trường cũ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến kỷ niệm của mình với thầy Giảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể: Thầy Lê Đức Giảng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, thầy sống một mình trong một gian nhà nhỏ của trường, thầy thường bảo tôi đến ở với thầy cho vui. Khi đó, thầy làm việc, chấm bài còn tôi học bài. Tối đến hai thầy trò ngủ chung một giường.
Dòng đề ghi ấm áp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng thầy Giảng.
Khi ấy Trọng là học sinh nghèo, trọ học ở một ngôi chùa xa. Hôm nào thi cử, kiểm tra bài học kỳ, tôi hay gọi cậu ấy sang ở chung cho vui, hơn nữa tiện cho việc học ôn vì phòng tôi có đèn neon, khi đó là một tiện nghi đấy. Những đêm mưa gió không về được, Trọng ở lại luôn. Tôi dạy ở đó 2 năm,1 năm lớp 9 và lớp 10 (hệ 10 năm) nhưng tình cảm thầy trò, trường lớp gắn bó rất sâu đậm”, thầy Giảng nhớ lại.
Sau khi học xong phổ thông, năm 1951, thầy Lê Đức Giảng vừa tham gia kháng chiến vừa dạy học tại Trường Bổ túc Công nông tỉnh Bình Định. Năm 1955, thầy Giảng tập kết ra Bắc, giảng dạy ở Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Năm 1959, thầy được cử đi học tại Khoa Lịch sử (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Đến năm 1961, sau khi tốt nghiệp, thầy được chuyển ra dạy ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Năm 1964, thầy Giảng về Quảng Nam tiếp tục dạy học ở vùng kháng chiến cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1980, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Trung học Sư phạm Bình Định (nay là Trường CĐ Bình Định). Đến năm 1986 thầy Lê Đức Giảng nghỉ hưu.
Khi tôi nhắc đến những lời ngưỡng mộ về tình thầy trò, thầy Giảng trầm lặng bảo: “Tôi có gì đâu mà khen, tôi như người lái một quãng đò. Một cuộc đời, người thầy đưa biết bao chuyến đò, chuyến nào cũng yêu thương như nhau. Có những người cũng thành đạt, có địa vị nhưng họ không muốn nhắc nhớ đến những khó nghèo xưa cũ đã từng, chắc họ cũng có lý do của họ. Lại có những người xem đó như một kỷ niệm đẹp, là động lực để đi tiếp trong đời. Còn một thầy giáo già hưu trí như tôi, khi được học trò mình - không riêng gì cậu Trọng đâu - nhớ đến, thực sự thấy vui và ấm áp”.
Với thầy Lê Đức Giảng, quãng thời gian dạy ở Trường Nguyễn Gia Thiều cũng giống như bao khoảng thời gian khác trong nghiệp trồng người. Nhưng qua mỗi chặng đò không chỉ là một lần bồi đắp kiến thức mà còn gieo tình cảm, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho người học. Cho nên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng khái xác nhận, nhân cách của thầy Lê Đức Giảng ảnh hưởng rất nhiều đến ông, mãi cho đến bây giờ!
***
Không chỉ có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới có nhiều tình cảm trân trọng, sâu sắc với thầy Lê Đức Giảng, năm thầy Giảng tròn 90 tuổi, cựu học sinh miền Nam đã sum họp tổ chức lễ mừng thọ cho thầy. Nhắc đến điều này, người giáo già nở nụ cười nhân hậu, niềm hạnh phúc như được nhen lên ấm áp. Còn gì vui hơn, những chuyến đò cứ đầy ắp tình thương và khi người lái đò gác mái, những sóng nước yêu thương vẫn cứ ì oạp vỗ mạn thuyền…
THẢO KHUY