Ðảng là cuộc sống của tôi - Kỳ cuối: Niềm tin của dân - sức mạnh của Ðảng
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy của Bác đã được các cấp ủy Ðảng, chính quyền tỉnh Bình Ðịnh vận dụng sáng tạo trong dựng xây quê hương.
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học An Dũng (xã An Dũng mới, huyện An Lão).
Nguyện vọng của dân được Đảng, Nhà nước lắng nghe
Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu
“Tỉnh sẽ có chương trình đưa cán bộ của tỉnh về phụ trách các chi, đảng bộ cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng bộ, chi bộ ở cơ sở để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ðảng bộ, nhất là các chi bộ cơ sở để thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng các cấp. Trong đó, các mô hình phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, các chủ trương mới rất cần cán bộ, đảng viên ở cơ sở đi đầu thực hiện, trước tiên không chỉ để gia đình mình thoát nghèo, mà còn làm gương, tạo sức lan tỏa đến nhân dân cùng phát triển kinh tế, để làm sao cuộc sống người dân tại từng thôn, từng bản, từng làng, từng xã ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ các cấp”.
Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG
Từ miền núi về đồng bằng, ven biển những ngày tháng Chạp này, trên nhiều làng quê, phố thị khắp nơi chúng tôi cảm nhận sự phát triển mạnh mẽ của đời sống. Công bằng mà nói, khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai chưa phải đã hết nhưng niềm vui, hy vọng một năm mới đủ đầy hơn đã hiện diện trên gương mặt đồng bào trong tỉnh.
Làng biển Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ), nơi có 100% dân số sống bằng nghề biển, giờ đây đã mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng, tàu thuyền tấp nập cập cảng trong những ngày xuân về. Ngư dân Nguyễn Văn Bông, ở thôn Vĩnh Lợi 2, xã Mỹ Thành, chủ tàu cá BĐ 92053-TS, cười giòn giã như át cả tiếng sóng: “Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước giúp ngư dân có điều kiện đóng tàu to, máy lớn vươn khơi xa, bám biển dài ngày, tăng hiệu quả kinh tế, đời sống khấm khá hơn. Rồi mai đây, khi có cầu bắc ngang qua đầm Đề Gi, giao thương thuận lợi Vĩnh Lợi sẽ phát triển thêm du lịch, đời sống bà con phát triển hơn nữa. Nguyện vọng của bà con đã được Đảng, Nhà nước lắng nghe và quan tâm hồi đáp”.
Chuyện ở một làng biển khác, làng biển Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), chừng mươi năm trước, khi có việc phải sang vùng bán đảo đồi cát khô cằn, đi lại đò giang cách trở, ai cũng ngao ngán. Vậy mà giờ đây, Nhơn Lý đã thành khu đô thị sầm uất, là điểm du lịch biển nổi tiếng cả nước. Chỉ tay về con đường bê tông thoáng đãng chạy qua ngõ nhà mình, cụ Nguyễn Đình Ấn (85 tuổi, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý) là cán bộ lão thành cách mạng, tấm tắc: “Nhơn Lý đã thực sự đổi thay vượt bậc. Như chính chỗ này đây, hồi xưa là bãi cát cao muốn ra trung tâm xã phải đi bộ hàng mấy tiếng đồng hồ, giờ chỉ còn có mấy phút. Nhơn Lý giàu lên thấy rõ nhưng người dân vẫn gắn bó, đoàn kết với nhau, cùng bảo tồn, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, như: Không gian cảnh quan, kiến trúc, lễ hội cầu ngư, nghệ thuật bả trạo… Ở đâu không biết chứ ở Nhơn Lý, khi người dân nói “cảm ơn Đảng - Nhà nước” là chân thành chứ không một chút khách sáo!”. Nghe cụ Nguyễn Đình Ấn hân hoan kể, chúng tôi ai cũng thấy rất vui, người xứ biển ăn nói chắc thiệt!
Lễ hội cầu ngư ở Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) đầy đủ sắc màu với nghệ thuật múa gươm, hát bá trạo.
Để dân tin yêu, phải chạm vào thực tế
Khi nghĩ tới tác động tích cực của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tôi hay nhớ cách diễn giải của ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT. “Cứ lên miền núi, về vùng khó khăn sẽ rõ. Nơi nào có trường học khang trang, sạch đẹp thì nơi đó chính sách đã đi vào cuộc sống. Nếu có thêm đường sá, trạm y tế tốt thì đó là chỉ dấu chứng nhận, khỏi phải trình bày, phân tích dài dòng. Ở tỉnh ta không những đã có đủ đường - trường - trạm, mà lãnh đạo huyện, xã còn rất hay thăm hỏi, động viên thầy trò. Như ngày 28.1, Huyện ủy Vĩnh Thạnh tổ chức chuyến thăm điểm trường ở làng vùng cao O2, thuộc xã Vĩnh Sơn. Đường đi khó lắm, phải mất 3 giờ đi bộ mới tới nơi. Vậy mà cứ trước năm học mới, giáp Tết, hoặc ngày 20.11… là lãnh đạo huyện lại lên đến tận điểm trường này để lắng nghe, chia sẻ”.
Câu chuyện gieo chữ vùng cao chưa bao giờ làm người ta nguôi cảm động, và cảm động hơn là hình ảnh những cô giáo, thầy giáo trẻ ngày đêm cần mẫn gieo chữ, xem học sinh là con. Cô giáo Phạm Thị Nhã Vi tại điểm trường Kà Nâu (thuộc Trường Tiểu học Canh Liên, xã Canh Liên, huyện Vân Canh), chia sẻ: “Nói dạy ở đây không khổ thì không đúng, nhưng chúng tôi chọn và yêu nghề này. Như các thế hệ đã đi trước, chúng tôi vẫn luôn cố gắng đem con chữ đến với các em”.
Đợt bão lũ vừa rồi, kể với chúng tôi, nhiều giáo viên cho biết họ rất xúc động khi đọc báo và biết Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh sâu sát tình hình, biết cả chuyện giáo viên canh chừng những điểm dễ xảy ra tai nạn, nhắc chừng và trông nom để học sinh về đến nhà an toàn. Chia sẻ tình cảm với các thầy cô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tâm tình: “Đó là tình yêu thương, là tinh thần tận tụy với công việc, là điều đáng ghi nhận, mà mỗi cán bộ, đảng viên đều nên học tập”.
Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản tại Trạm y tế xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Ảnh: THU HIỀN
Giáo dục, y tế là hai lĩnh vực được chính quyền tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm. Những nơi điều kiện đi lại khó khăn như các xã miền núi, đảo xa được cán bộ y tế cơ sở đến từng ngõ, gõ từng nhà. Các vấn đề chăm sóc sức khỏe cơ bản như cách phòng tránh thai, chăm sóc sản phụ sau sinh, sàng lọc trước sinh, tiêm chủng… được nhân viên y tế xã tư vấn cặn kẽ, rõ ràng. Chị Đinh Thị Yến (xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân), cho biết: “Không chỉ được cán bộ y tế hướng dẫn tư vấn tận tình để bà con chăm sóc sức khỏe. Họ còn rất nhiệt tình trong việc khám, chữa bệnh cho người dân. Bà con rất tin tưởng, bởi họ làm việc tất cả vì lo cho sức khỏe của người dân ở đây”.
Không phải ngẫu nhiên mà người dân lại tin tưởng cán bộ cơ sở đến vậy, nếu như họ không nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ để làm những việc có lợi cho nhân dân. Chị Trần Thị Kiều Nga, nhân viên Trạm y tế xã Ân Sơn, tâm tình: “Bà con ở đây sống chủ yếu bằng trồng trọt, ban ngày họ thường đi làm rẫy ở đồi núi xa nên thời gian thích hợp nhất để tuyên truyền, vận động là lúc sẩm tối. Thời gian này ngoài tư vấn, nhân viên y tế sẽ rà soát, nắm bắt cụ thể từng đối tượng để có những hướng dẫn trong thời gian tiếp theo. Chúng tôi phải gắn bó với bà con, làm cho hết trách nhiệm của mình, điều chúng tôi vui nhất, có thêm động lực để làm việc là sự tin yêu, tình cảm bà con dành cho chúng tôi!”.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, nói mà như khoe: “Khi mình làm đúng, dân được hưởng lợi thì bà con sẽ tin tưởng vào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Định hướng phát triển du lịch mở ra cơ hội lớn, đưa con em Nhơn Lý xa quê trở về, mở ra các cơ hội học tập, làm việc, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Để dân tin cán bộ thì mình phải phát huy hơn vai trò của mình, gương mẫu nói và làm. Bây giờ Đảng, Nhà nước mà phát động chính sách, phong trào gì là bà con Nhơn Lý ủng hộ cái một!”.
***
Trên hành trình chúng tôi đi, chiêm nghiệm thực tế và xâu chuỗi lại điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng là, mức độ đồng thuận của nhân dân ngày càng cao, bởi họ tin vào Đảng, Nhà nước, tin vào những người đứng đầu của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh, khi nêu cao tinh thần trách nhiệm, khơi dậy sức dân cùng chung tay thực hiện các quyết sách.
H.THU - T.KHUY - T.DỊU - N.NHUẬN