Đại hội XIII của Đảng: Kỳ Đại hội đặc biệt mang tính lịch sử
Một kỳ Đại hội với văn kiện có tính tổng kết không chỉ một nhiệm kỳ và đặt ra tầm nhìn đến giữa thế kỷ; chọn lựa nhân sự sau "quy trình 5 bước", “2 vòng 8 bước” và những cuộc họp khẩn bên lề về phòng, chống Covid-19.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng hôm nay (1.2) bế mạc, kết thúc sớm hơn một ngày so với chương trình được thông qua ở phiên trù bị. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đánh dấu một kỳ Đại hội đặc biệt, một sự kiện mang tính lịch sử.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ 25.1-1.2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội)
Tầm nhìn đến giữa thế kỷ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có trách nhiệm lịch sử to lớn đối với Tổ quốc, đồng bào và dân tộc ta không chỉ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 mà cho cả những thập niên tới, cho những thế hệ tương lai của đất nước với những mục tiêu rất cụ thể, tầm nhìn dài tới tận giữa thế kỷ.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đặt ra cần phải giải quyết, từ tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đến các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.
Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thành quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; góp phần tô đậm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020. Đồng thời, Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, những vấn đề cần khắc phục, vượt qua cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.
Chính vì vậy mà Văn kiện trình Đại hội được chuẩn bị công phu, nhiều vòng, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đại hội cũng dành một ngày rưỡi để thảo luận về những nội dung này.
36 đại biểu thuộc các đoàn đại biểu, các đảng bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan phát biểu ý kiến tại hội trường và 788 ý kiến phát biểu tại Đoàn cho thấy một không khí sôi nổi, với góc tiếp cận đa chiều từ vấn đề ở Trung ương tới địa phương, từ “hiến kế” xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám nói vì lợi ích chung đến nâng cao đời sống nhân dân, quan tâm đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng tộc thiểu số; từ yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số đến hoá giải “lời nguyền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ” bằng quan điểm “chim sẻ hợp lực sẽ không kém đại bàng”...
"Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay" – như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định khi trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Song chúng ta sẽ còn phải phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức mới để đạt nhiều thành tựu hơn nữa. Tất cả tâm huyết, mục tiêu và quyết tâm đó đều được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng là sự kiện mang tính lịch sử, mở ra một chặng đường mới trong phát triển của Việt Nam, hướng đến xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quy trình đặc biệt chọn ra đội ngũ tinh hoa
Công tác nhân sự - là nội dung mà bất kỳ Đại hội nào cũng đều có sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng, thận trọng trên tinh thần dân chủ, minh bạch, khách quan, bởi “cán bộ là then chốt của then chốt”, là yếu tố quyết định thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội. Với Đại hội XIII của Đảng, công tác nhân sự có nhiều điểm đặc biệt và đã thành công với kết quả tốt đẹp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII
Trong 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành khoá XIII có 120 là Ủy viên Trung ương tái cử, 80 Ủy viên trúng cử lần đầu. Tính theo cơ cấu có 70 Ủy viên chính thức và 16 Ủy viên dự khuyến là lãnh đạo các tỉnh, thành; 15 Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 19 nữ, 12 người dân tộc thiểu số. Về độ tuổi, số uỷ viên từ 51-60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 124 người, dưới 50 tuổi có 40 người và trên 60 tuổi có 16 người.
10 trường hợp “đặc biệt”, cả với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương khoá XII tái cử và người lần đầu tham gia Trung ương - tức quá tuổi so với phương hướng độ tuổi nhân sự Đại hội XIII cũng đều trúng cử với tín nhiệm cao.
Ban Chấp hành Trung ương khoá mới cũng đã họp phiên thứ nhất, bầu ra Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.
Kết quả trên thể hiện sự thống nhất rất cao và thành công của công tác nhân sự xuất phát từ quy trình đặc biệt với 5 bước lựa chọn nhân sự tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ, thể hiện rất cụ thể trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.
Thông qua quy trình 5 bước đã sàng lọc, lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, đảm bảo về đạo đức, phẩm chất, lối sống, năng lực, sở trường công tác cũng như triển vọng phát triển. Đối với quy trình giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thực hiện hết sức chặt chẽ. trong đó, riêng các trường hợp “đặc biệt” được cân nhắc thận trọng, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan với “2 vòng 8 bước” và thống nhất rất cao khi lựa cọn trình Đại hội.
Đại hội XIII cũng dành tới 3 ngày làm việc chính thức thảo luận, quyết định để lựa chọn ra đội ngũ tinh hoa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.
Với những điểm đặc biệt nêu trên, nhân sự khoá XIII đã đảm bảo “kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương, nhưng cũng không bỏ sót những người thực sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân”.
Họp khẩn bên lề Đại hội để thần tốc chống Covid-19
Trong lịch sử Đại hội Đảng toàn quốc chắc chưa có cuộc họp bên lề nào đặc biệt như hai cuộc họp khẩn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về tình hình dịch bệnh, sáng 28.1 và chiều tối 29.1 tại phòng họp ở Trung tâm Hội nghị quốc gia - nơi đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng, khi xuất hiện trường hợp lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng do biến chủng virus SARS-CoV-2 .
Các Phó Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh... đang dự Đại hội Đảng XIII cùng tham dự các cuộc họp này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp khẩn về tình hình dịch Covid-19 vào sáng 28.1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến đột xuất với lực lượng y tế tại điểm cầu Hải Dương, Quảng Ninh cũng như họp giao ban về công tác phòng, chống dịch với các điểm cầu ở hai địa phương trên từ đầu cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trong hai ngày 29 và 30.1. Trước đó, nhiều thành viên của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia thức suốt đêm để họp, chỉ đạo xử lý tình hình.
Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 ngay lập tức được ban hành.
Những cuộc họp đương nhiên không nằm trong chương trình Đại hội nhưng lại rất khẩn cấp và thu hút sự quan tâm đặc biệt của phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng như người dân. Cũng từ đây, thông điệp của Chính phủ được truyền đi mạnh mẽ: Thần tốc chống dịch, giữ chắc vành đai an toàn dịch tễ. Quyết liệt phòng, chống Covid-19 nhưng không quên lo Tết cho dân!
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản ứng phó tình huống trước thềm Đại hội Đảng, chương trình nghị sự vẫn diễn ra thông suốt. Tuân thủ biện pháp phòng dịch, phóng viên vẫn tác nghiệp sôi động, đại biểu vẫn chủ động thông tin với báo chí mà không hoang mang hay bị “siết chặt”. Thông tin về sự kiện trọng đại của Đảng và Dân tộc cũng vì thế luôn được cập nhật tới cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Có thể nói, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công với nhiều điều đặc biệt, mang tính lịch sử!.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)