Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long:
Cố gắng để mọi người dân tiếp cận được vắc xin trong năm nay
(BĐ) - Phát biểu kết luận giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành, sáng 19.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho biết, Bộ Chính trị đã họp và chỉ đạo Chính phủ, giao Bộ Y tế hết sức khẩn trương tìm nguồn vắc xin cho người dân.
Trước mắt, năm 2021, có nguồn vắc xin viện trợ 30 triệu liều của COVAX, chủ yếu cho 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó là nguồn vắc xin mua của Công ty AstraZeneca 30 triệu liều, ít nhất trong năm 2021 đã có 60 triệu liều. Nhưng để đủ vắc xin cho mọi người dân có chỉ định tiêm ngừa, Việt Nam cần 150 triệu liều trong năm nay. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với các hãng Pfizer, Moderna và tìm nguồn vắc xin từ Nga... “Cố gắng để mọi người dân có thể tiếp cận được vắc xin, để chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường, phát triển kinh tế”, GS Nguyễn Thanh Long nói.
Đại biểu của tỉnh dự họp giao ban trực tuyến sáng 19.2.
Dự họp tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19; các đơn vị liên quan.
Thông tin từ Bộ Y tế, với đợt dịch lần thứ 3 này, hiện tỉnh Hải Dương tình hình vẫn phức tạp. Đến nay đã ghi nhận 3 chủng vi rút biến chủng, gồm 2 chủng bắt nguồn từ châu Phi và 1 chủng bắt nguồn từ Anh, nên chỉ thời gian ngắn, phát hiện nhiều ca bệnh, đặc biệt ổ dịch xảy ra trong khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các tỉnh, thành phải coi chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung 4 vấn đề quan trọng.
Trước hết, các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Thực tế, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. “Chúng ta luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới không luống cuống và chủ động đối phó khi có dịch!”, người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.
Thứ hai, cần chuẩn bị tất cả kịch bản, tình huống khi bùng phát dịch; chuẩn bị sẵn 4 tại chỗ. Bởi, “vi rút lần này là vi rút biến đổi, tốc độ lây lan nhanh hơn 70%, chúng ta phải thần tốc chặn các nguồn lây, nếu chậm là đuổi theo dịch, không chặn được dịch; càng đuổi chúng ta càng đuối”.
Thứ ba, các địa phương phải chuẩn bị các phương án xét nghiệm, các kịch bản xét nghiệm nhiều hơn. Phải nâng công suất xét nghiệm trong thời gian rất ngắn, công tác xét nghiệm phải đáp ứng theo mức độ diễn tiến của dịch. Vai trò của việc xét nghiệm nhiều khi là mấu chốt của việc phòng chống dịch, phải xét nghiệm diện rộng thì ngay mới có thể chặn được dịch.
Thứ tư, chuẩn bị phương án điều trị; khi phát hiện ổ dịch, nhiều ca bệnh, các tỉnh phải có nhiều phương án.
Tại giao ban, Bộ Y tế đã đánh giá thử nghiệm trên người tình nguyện giai đoạn 1 vắc xin ngừa Covid-19 do Việt Nam sản xuất; dự kiến giai đoạn 2 thử nghiệm bắt đầu từ ngày 26.2 tới. Triển khai hệ thống quản lý khai báo y tế QR Code tại các điểm công cộng, trường học, cơ sở y tế, siêu thị…
Tin, ảnh: THU HIỀN