Nên chăng...!
Từ hôm nay (1.3), quy định về việc thu phí nội mạng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) bắt đầu có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên từ vài ngày trước khi “vào việc” thì ngành ngân hàng đã phải đối mặt với búa rìu dư luận, từ giới truyền thông cho đến người sử dụng thẻ.
Theo phía ngân hàng, phí thu nội mạng hiện chỉ thu 1.000 đồng/giao dịch là rất thấp vì theo tính toán chi phí trung bình đối với mỗi giao dịch ATM phải là 9.000 đồng/giao dịch. Do đó, với mức phí này các ngân hàng thương mại đã bị thiệt thòi rất nhiều và các ngân hàng đã chấp nhận thua thiệt vì lợi ích chung (!).
Tuy nhiên, phía khách hàng là các chủ thẻ cũng có lý lẽ riêng của mình. Trước hết, điều mà rất đông chủ thẻ than phiền là dịch vụ rút tiền qua thẻ ATM chưa phục vụ tốt: vào những thời điểm lễ, tết, cuối tuần, kỳ lãnh lương… người sử dụng dịch vụ rút tiền qua thẻ ATM thường phải chạy đôn, chạy đáo tìm trụ ATM có tiền để rút. Và mặc dù tình trạng này đã xảy ra phổ biến từ rất lâu, nhưng chuyện khắc phục hình như chưa hiệu quả… Tiếp đến là chuyện ai cũng biết là tiền của người ta gửi vào thẻ do ngân hàng giữ thường xuyên (và có thể kinh doanh để sinh lời), nhưng khi rút ra lại phải trả phí thì chưa thỏa đáng.
Theo một thống kê ghi nhận, hiện nay cả nước có khoảng 54 triệu chủ thẻ ATM, nếu mỗi chủ thẻ chỉ rút tiền bình quân một lần/tháng với phí giao dịch nội mạng là khoảng 1.000 đồng/lần thì phía ngân hàng đã lãi từ việc thu phí này là khoảng vài chục tỉ đồng/tháng. Chưa kể mỗi tháng, một chủ thẻ không chỉ rút tiền một lần vì mỗi lần người sử dụng thẻ chỉ rút được một số tiền theo mặc định, khi có việc cần sử dụng số tiền lớn hơn thường phải thao tác rút nhiều lần, từ đó số phí sẽ nhân lên số tiền sẽ lớn hơn rất nghiều.
Được biết, hiện nay trước ý kiến phản hồi của dư luận các ngân hàng đã đưa ra các biểu thu phí khác nhau. Cụ thể, trong 34 đơn vị thì có 2 đơn vị có biểu phí 200 - 500 đồng/một giao dịch rút tiền nội mạng; 10 ngân hàng áp mức phí 1.000 đồng/một giao dịch, còn lại các ngân hàng đều đang miễn phí rút tiền nội mạng. Trong 34 đơn vị thì có đến 22 đơn vị chưa đề cập cụ thể việc thu thế nào từ 1.3. Như vậy, tùy theo năng lực tài chính và chiến lược phát triển dịch vụ thẻ của mình mà từng ngân hàng sẽ xây dựng biểu phí phù hợp.
Thực tế cho thấy, bất cứ một chính sách nào khi bắt đầu thực hiện cũng chưa thể tìm được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Nhưng để sau một thời gian chính sách đó có thể vận hành ổn thỏa, thông suốt thì cần có sự điều chỉnh cho phù hợp mà điều quan trọng nhất là đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích của tất cả các bên liên quan. Cụ thể trong câu chuyện này thì yêu cầu cho phía ngân hàng là chất lượng dịch vụ ATM cần được nâng lên, hạn chế tối đa những sự cố khi rút tiền từ máy ATM. Đồng thời, để giảm chi phí cho người sử dụng thẻ khi rút tiền tại các trụ ATM, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai các công cụ thanh toán qua POS, thanh toán điện tử để hạn chế rút tiền mặt và tránh mất phí cho chủ thẻ cùng những lợi ích khác. Về phía cơ quan quản lý, mong ngành chủ quản sẽ kiểm soát các đơn vị cung cấp dịch vụ một cách chặt chẽ để tránh những rủi ro phát sinh, tạo niềm tin cho người sử dụng dịch vụ.
Trong hoạt động kinh doanh, việc “có đi có lại” là một trong những nguyên tắc mà các chủ thể liên quan phải thuộc “nằm lòng”. Có lẽ hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ. Nên chăng…!