NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG TỈNH LƯU DIỄN TRỞ LẠI:
Đáp ứng nỗi chờ mong của công chúng
Nửa tháng qua, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã liên tục lưu diễn tuồng, ca kịch bài chòi đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh. Nghệ sĩ dốc sức phục vụ trên sân khấu, bên dưới khán giả ủng hộ nồng nhiệt, làm bừng lên sức sống của nghệ thuật truyền thống.
Đoàn ca kịch bài chòi (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đã có 11 đêm diễn thành công, thu hút đông khán giả mộ bài chòi ở các địa phương ven biển: Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn), Mỹ An (huyện Phù Mỹ), Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát). Tại mỗi địa phương, đoàn có một đêm diễn miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị, còn lại là diễn theo hợp đồng để có doanh thu.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh phục vụ khán giả thưởng thức ca kịch bài chòi tại xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn. Ảnh: NHNTTT
Ngoài hai vở diễn chính là Thanh gươm công lý và Nửa đời hương phấn, đối với các địa phương đoàn diễn 3 - 4 đêm thì khán giả còn thưởng thức thêm các vở Nỗi đau tình mẹ, Bình minh trên đỉnh Parut. Trong đó, “Thanh gươm công lý” là vở mới nhất, được dàn dựng đầu năm 2021, lôi cuốn khán giả với chuyện Tuyên phi Đặng Thị Huệ khiến Chúa Trịnh Sâm u mê, dung túng cho em ruột của bà là Đặng Mậu Lân phạm nhiều tội ác tày đình, coi thường kỷ cương phép nước, ức hiếp, hãm hại dân lành... Cuối cùng Lân đã phải đền tội bởi những trung thần dũng cảm đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì lẽ phải.
Xúc động, ấm áp tình cảm ủng hộ của người dân là chia sẻ chung của nhiều nghệ sĩ trong đợt lưu diễn vừa qua, như có người dân ở xã Hoài Mỹ giao cả căn nhà rộng rãi, thoáng mát cho các nghệ sĩ nghỉ ngơi thoải mái, tặng 100 trứng vịt lộn sau mỗi đêm diễn để các nghệ sĩ bồi dưỡng... “Đoàn hết sức trân quý tình cảm của bà con ủng hộ đến xem rất đông ở các địa phương. 3 đêm diễn (21 - 23.4) tại xã Mỹ An càng có thêm kỷ niệm đẹp đối với chúng tôi, khi ngay đêm đầu đã gặp thời tiết không thuận lợi, trời mưa nhưng bà con vẫn quyết tâm ở lại thưởng thức hết vở diễn. Anh chị em của đoàn rất xúc động, cùng hứng khởi đội mưa phục vụ khán giả. Đêm diễn cuối cùng ở Mỹ An, toàn thể diễn viên ra chào khán giả sau khi hết vở rồi mà bà con cứ ngồi yên một chỗ chưa chịu về, vẫn muốn được xem tiếp...”, nghệ sĩ Thùy Dung chia sẻ.
Trong chục ngày qua, đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) cũng đã ra quân phục vụ người dân ở các huyện: Phù Mỹ, Tuy Phước, Vân Canh (mỗi nơi từ 2 - 4 suất diễn vào buổi sáng, tối), với các vở diễn được dàn dựng trong năm 2019 - 2020 như: Chuyện tình nàng công chúa Thiên Hương, Tiêu Anh Phụng loạn trào. Đối với suất hát lễ ở các miếu, đình thì biểu diễn các vở Cổ Thành, Huê Dung Lộ... “Điểm đầu tiên khi lưu diễn trở lại là thôn Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, với hai đêm phục vụ bà con. Đây là điểm diễn mà Nhà hát đã gắn bó trong suốt gần 20 năm qua. Người dân địa phương rất hâm mộ nghệ thuật tuồng, mỗi câu hát, làn điệu, vũ đạo... bà con đều hiểu rất rõ và thuộc làu làu trong bụng...”, nghệ sĩ Thanh Trực chia sẻ.
Trong hai ngày 27 - 28.4, đoàn tuồng Đào Tấn tiếp tục phục vụ người dân trong dịp lễ khánh hạ Đình An Định (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), sau khi tròn 3 năm sửa chữa lại ngôi đình này. Ông Trường Đình Cẩn, Trưởng Ban tự tín đình An Định, cho biết: “Theo thống nhất của các cụ cao tuổi ở địa phương cùng Ban tự tín đình mời đoàn tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Người dân những ngày qua trông chờ thưởng thức 3 suất hát tuồng theo hợp đồng, sau đó nếu được bà con ủng hộ đóng góp thêm thì đề nghị Nhà hát tiếp tục diễn...”.
Lực lượng diễn viên tuồng, ca kịch bài chòi hiện phần lớn còn trẻ, qua lưu diễn được khán giả ủng hộ nồng nhiệt đã giúp các em tích lũy kinh nghiệm, thêm nguồn động viên gắn bó với nghề. Ở mỗi nơi đều có 1 suất diễn miễn phí theo nhiệm vụ chính trị, riêng ở những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi chỉ phục vụ miễn phí, như 2 suất diễn vừa qua ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh...”. Ông VĂN BÁ DŨNG, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh
HOÀI THU