Chuyện trò với những người làm văn hóa, văn nghệ sau giải phóng
Ngay từ những năm đầu sau giải phóng, họ cùng nhau xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, phục vụ đời sống tinh thần người dân Bình Định. Hơn 40 năm đã đi qua, nhắc nhớ lại những quãng thời gian xưa, bao ký ức lại ăm ắp hiện về.
Ngợi ca đất nước thống nhất, quê hương hòa bình
Với nhạc sĩ Thế Tuyên, những năm đầu sau giải phóng là những tháng năm khó phai mờ. Anh chia sẻ: “Năm 1975, đất nước thống nhất, các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng diễn ra rất sôi nổi trong niềm vui hòa bình. Riêng ở Quy Nhơn hồi ấy có rất nhiều đội văn nghệ. Có những đội văn nghệ phường “tiếng tăm” như: Lê Hồng Phong mạnh về ca, Trần Hưng Đạo mạnh về múa với dàn diễn viên nữ người Hoa xinh đẹp, Lê Lợi mạnh về dân ca bài chòi với dàn nhạc cổ của gia đình cụ Nguyễn Đốc (Tân Phong)… Ở huyện An Nhơn có đội văn nghệ thị trấn Bình Định với tốp ca nam nổi tiếng hát “xiềng” như “văn công chuyên nghiệp”. Ở Tuy Phước thì nổi lên đội văn nghệ xã Phước Lộc với dàn diễn viên vừa ca, vừa kịch, vừa hát cải lương mùi mẫn, cuốn hút… Những ngày ấy, tôi cùng các nghệ sĩ như Châu Đức Khánh, Lý Anh Võ, Nguyệt Ánh, Lan Phương… hoạt động tích cực, phục vụ nhiều chương trình văn nghệ của tỉnh nhà. Năm tháng qua đi, kẻ mất người còn, có người giữ nghề, người làm việc khác nhưng những năm tháng ấy mãi là ký ức đẹp mà chúng tôi hay nhắc nhớ cùng nhau”.
Nhạc sĩ Hữu Thuần (thứ hai từ phải sang, hàng đầu tiên), Lý Anh Võ (đầu tiên từ trái sang, hàng cuối) đã có nhiều đóng góp trong việc truyền dạy các em học sinh có năng khiếu âm nhạc ở Quy Nhơn sau ngày giải phóng.
NSND Hòa Bình, nguyên giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn (nay là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Bình Định) bồi hồi nhớ về khoảng thời gian khó khổ nhưng đầy ắp kỷ niệm khi chị mới về Nhà hát. Từ năm 1975, chị đã về Bình Định và ngay từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, chị cùng nhiều nghệ sĩ trong Nhà hát mang lời ca tiếng hát biểu diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh, gieo niềm vui hòa bình thống nhất, xua đi buồn đau chiến tranh. Là người gốc Huế, sinh ở Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội, khi đầu quân về Nhà hát ở Bình Định, NSND Hòa Bình phải điều chỉnh khẩu âm để hát sao cho ra giọng Nẫu. Bằng tình yêu của mình, chị đã làm được điều đó. Minh chứng là những vai diễn của chị được khán giả đón nhận nồng nhiệt với những vai diễn Kỷ Lan Anh (vở Hộ Sanh Đàn), Trại Ba (vở Ngũ hổ Bình Liêu), bà Sáu Bình (vở Cội nguồn)…
NSND Hòa Bình chia sẻ: “Bao nhiêu năm đi qua, nhưng khi nhớ lại những năm tháng cùng Nhà hát sáng đèn biểu diễn ở các địa phương, được bà con quý mến, ủng hộ thì niềm hạnh phúc về nghề như được nhen lên. Ngày ấy, thế hệ chúng tôi rất say nghề, có những nghệ sĩ khi đi lưu diễn phải mang cả con nhỏ theo. Và để vừa nuôi nghề vừa sinh sống, nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nhiều công việc khác nhau. Nhưng vượt qua hết thảy, nhiều nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho cái chung, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng đời sống tinh thần cho bà con địa phương. Niềm hạnh phúc tột cùng của cả dân tộc tiếp thêm năng lượng cho mỗi nghệ sĩ chúng tôi, đó là may mắn đời người không phải ai cũng có!”.
Nối dài hạnh phúc với những ngày hội văn hóa
Việc xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ được gầy dựng và tiếp nối với những hoạt động thiết thực nhờ những con người tâm huyết với quê hương. Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai hồi tưởng: “Năm 1989, sau khi chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh như vốn có là Quảng Ngãi và Bình Định, tôi được tỉnh bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Định. Xuất phát từ đặc điểm của tỉnh vừa có các huyện duyên hải vừa có vùng đồng bào dân tộc ít người nên tôi đã có công văn, đề xuất đề án với Sở VH-TT và UBND tỉnh tổ chức thường niên “Ngày hội Văn hóa Miền Biển” và “Ngày hội Văn hóa Miền Núi” trên toàn tỉnh. Sau quãng thời gian kiên trì tham mưu tư vấn, Sở VH-TT đã cho phép làm “thí điểm”. Đó là một niềm vui lớn trên con đường hoạt động văn hóa”. Được chấp thuận, Trung tâm VH-TT đã triển khai ngay công việc, lấy địa điểm hoạt động đầu tiên ở Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, thời gian trong tháng 4 Âm lịch là dịp ngư dân miền biển tập trung vào ngày lễ Cầu Ngư để tổ chức ngày hội.
“Khi ấy, các anh Hữu Kiểm, Hà Giao, Việt Thanh… đều là những nghệ sĩ, cán bộ chuyên sâu văn hóa văn nghệ quần chúng, rất nhiệt tình, biết cách tổ chức biểu diễn, lên đề cương chương trình phù hợp cho từng địa phương tham gia Ngày hội và không trùng lắp... Nhờ vậy, chỉ trong vài tháng, đã có 5 Trung tâm Văn hóa huyện, thị có chương trình tham gia lễ hội là Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. Các huyện, thị này đều là những địa phương có lực lượng nòng cốt hoạt động văn hóa thông tin cổ động mạnh của tỉnh. Chính họ là điểm tựa vững chắc để Trung tâm Văn hóa tỉnh chúng tôi tổ chức thành công “Ngày hội văn hóa Miền Biển” đầu tiên vào năm 1991”, nhà thơ Xuân Mai chia sẻ.
Ngày hội Văn hóa Miền Biển đầu tiên được tổ chức đã có tiếng vang, thu hút đông đảo bà con các nơi hưởng ứng, chung vui… Thành công của Ngày hội cũng đã tạo niềm tin để lãnh đạo Sở và tỉnh quyết định cho Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tiếp “Lễ hội Văn hóa Miền Núi” vào năm sau, trong dịp chào mừng Lễ Quốc khánh, ngày 2.9.1992. Nhà thơ Xuân Mai bộc bạch: “Sau đó các hoạt động này được tổ chức thường niên. Giữa năm 1992, tôi được Tỉnh ủy đề bạt nhiệm vụ mới “Phó Tổng biên tập Báo Bình Định”, không còn là cán bộ của ngành Văn hóa nữa, vì vậy tôi đã không còn được trực tiếp tham gia cùng anh chị em Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ”.
Nhà thơ, nhà báo Xuân Mai cho biết: “Ngày hội Văn hóa Miền Núi” đầu tiên ngay tại huyện Vĩnh Thạnh quê hương của tôi. Đến nay đã trên 30 năm rời xa ngành Văn hóa, nhưng những hoạt động trong công tác Thông tin cổ động, văn hóa quần chúng… luôn để lại trong tôi những ấn tượng, những kỷ niệm không thể nào quên”.
Nhà thơ Lệ Thu nhắc nhớ lại những kỷ niệm một thời sau năm 1975.
Nhắc nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, nhà thơ Lệ Thu không giấu được niềm xúc động khi nhớ lại những đồng đội xưa, những tháng năm bà hoạt động cách trở phải xa người thân ruột rà. Từng là nữ nhà báo chiến trường, bà thấu hiểu bao cảnh sinh ly tử biệt, nỗi đau mất mát mà chiến tranh gây ra nên bà trân trọng những tháng ngày hòa bình. Tự thẳm sâu trong tim bà luôn khao khát sự bình yên, niềm vui giản dị đến với những người con quê hương Bình Định và đồng bào mình.
Sau năm 1975, bà trở lại quê hương Bình Định, công tác một thời gian bên ngành văn hóa rồi mới chuyển sang làm Chủ tịch Hội VHNT (1992-1997). Nhớ lại những năm đầu sau ngày giải phóng, ký ức bà ùa về với bao kỷ niệm cùng các văn nghệ sĩ xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, đi sâu vào đời sống nhân dân tích cực sáng tác với cái đích cuối cùng là hàn gắn những vết thương, nhen lên tình yêu thương, san sớt trong mỗi con người. Trong niềm xúc động, bà nhắc đến một bài thơ viết năm 1977, có tên Niềm vui cửa biển: “Nắng tuôn dài/gót ngựa Quang Trung/ Gió hát trên đường Nguyễn Huệ/ Tiếng máy rì rầm cửa bể/Hàn Mặc Tử ơi, mai nở thăm Quy Hòa// Nỗi sầu đau theo dĩ vãng lùi xa/Ngọn sóng xóa những dấu giày xâm lược/ Bờ cát trắng như tấm lòng hẹn ước/Tình yêu ta hai giọt nước trong ngần/Giữa vô tận cuộc đời, biển cả mênh mông”.
ÐÔNG A - NGÔ PHONG