Khi hào kiệt trỏ gươm ra đại dương
“Các ngươi hàng chục năm nay ẩn hiện nơi góc bể, tụ tập bè đảng, lấy việc cướp bóc để sinh nhai, cũng là có chỗ bất đắc dĩ, hoặc vì đói rét bức bách, hoặc vì bạo ngược xua đuổi, mới đến nương thân nơi sóng gió, không có lối thoát ra. Ôi, phàm đã làm người, ai chẳng muốn làm điều tốt, chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc mới phải làm điều ác, để cho lương tâm mòn mỏi, các ngươi có yên tâm được không?”. Vua Quang Trung đã hướng lưỡi gươm đại định ra Biển Đông Tổ quốc với những lời lẽ vừa “dằn mặt” vừa “xoa đầu” để chiêu dụ giặc Tàu Ô - loại hải tặc Trung Hoa thời trung cận đại - hoạt động từ biển Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Đài Loan, Hải Nam đến các vùng biển cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong nước ta.
1. Thật ra từ vua Lê chúa Trịnh cho đến các chúa Nguyễn đều đã nhiều cách đối phó, nhưng kết quả chưa thể nói đã hết âu lo. Đương nhiên uy lực của Quang Trung vang danh bốn cõi và ông xác tín với lời lẽ hào sảng rằng từ khi khởi nghĩa, đến đâu cũng quét sạch giặc giã, cỡ như Tôn Sĩ Nghị binh mã thiên triều đông nghịt, chỉ buổi sáng là vỡ tan, huống hồ bọn Tàu Ô chỉ là hạng “con vờ”- một loại côn trùng phù du mặt nước. Và thực tế đã xác định, chỉ ở thời này, Quang Trung chẳng những trấn áp mà còn vỗ về, hoàn lương được lực lượng đầy tính đặc thù này vào việc quấy nhiễu lực lượng thù địch và trị an chốn biển đảo.
Hình ảnh mô phỏng trận thủy chiến Thị Nại năm 1801 của quân Tây Sơn. Ảnh tư liệu
Chúng ta nhớ lại trước đó, ngày lên ngôi, vua Quang Trung tuyên bố nguyên văn trong “Tức vị chiếu”: “nhi tứ hải ức triệu hoàn qui ư trẫm nhất nhân” (ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm). Cái chữ “tứ hải” ở đây đã vượt khỏi khuôn thước điển chương cổ văn để bước ra đời sống thực của một vị hoàng đế dù xuất thân từ núi rừng, nhưng tầm nhìn và hành trang nhuốm phong vị “đại dương”, điểm khác lạ so với các các triều đại phong kiến trước đó.
Ưu thế mà bây giờ ta gọi “địa văn hóa”, “địa chính trị” đã củng cố tư duy đại định của bậc đế vương, rằng bờ cõi nước ta đâu phải chỉ giới hạn bằng lục địa. Từ thời các chúa Nguyễn mở cõi phương Nam, hoặc đậm hoặc nhạt tùy theo thời điểm, nhưng đã có dấu hiệu tách khỏi quan niệm “trọng nông ức thương”, tức chỉ nhìn nền kinh tế đất nước qua “con trâu, cái cày”, mà đã nhìn việc đo đếm sự phát triển bằng số lượng chợ búa và tàu thuyền Á Âu trên thương cảng Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Sài Gòn, Gia Định, Hà Tiên...
Trở lại khẩu khí Quang Trung qua chiêu dụ giặc Tàu Ô, ông lệnh họ hãy đầu hàng ngay, vì làm sao có thể “sống trộm” mãi, và ông hứa mở lòng thu nhận, rằng nếu họ giữ cái tráng chí vượt sóng, dọc ngang với mặt biển và hải đảo, đều được thỏa chí. Trên thực tế, Quang Trung đã chiêu tập rất hiệu quả đội ngũ “hảo hớn Thủy Hử” này, cấp đầy đủ ấn tín và bằng sắc phong cho hàng chục viên tổng binh Tàu Ô chỉ huy trên trăm chiến thuyền, vừa điều động phối kết hợp với thủy binh hoàng gia chủ lực hùng hậu đánh nhau với “giặc gió mùa” từ phương Nam ra, vừa thực thi nhiệm vụ đặc biệt ven biển Trung Hoa phía Bắc.
2. Thực ra, tâm thế “hướng biển” đã được xác định từ khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa 1771. Có thể nói rằng, hạt muối biển trắng tinh thơm thảo đã làm gia vị mặn mòi cho đội quân tụ nghĩa và cho đồng bào hạ đạo lẫn thượng đạo trong sách lược, chuyện thông thạo đò giang sông nước thuở hàn vi trở thành cái thế mạnh khi thành thủ lĩnh phong trào khởi phát ở địa bàn sau lưng là núi, trước mặt là biển. Chỉ trong vòng mấy năm đầu, những người khởi nghĩa luôn phải song hành hai đội quân thủy bộ để chống chọi với quân địch và khi làm chủ được các cảng thị huyết mạch, năm 1776, đã phê chuẩn ngay và duy trì liên tục việc thực thi sứ mệnh chủ quyền biển đảo cho đội hùng binh “Hoàng Sa’ và “Quế Hương”... giao Cai Hợp ở Cù Lao Ré đảm đương, vừa khai thác sản vật biển đảo, vừa chiến đấu chống kẻ xâm phạm. Chức vụ Thái Phó Tổng Lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công được nhà Tây Sơn phong cho viên quan đầu mối cai quản các cai đội Hoàng Sa, nay vẫn còn lưu, như bằng chứng xác nhận chủ quyền biển đảo, qua các niên hiệu nhà Tây Sơn: Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh.
Cảng Quy Nhơn đầu tư phát triển thành cảng biển tổng hợp quốc tế, cung cấp các dịch vụ cảng biển/logistics chuyên nghiệp, đảm nhận dịch vụ thương mại của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là cửa ngõ cho phát triển hành lang Đông - Tây…
- Trong ảnh: Cảng Quy Nhơn đón tàu vào làm hàng. Ảnh: THU HIỀN
“Hảo hớn Thủy Hử” Tàu Ô khi nghe Quang Trung đĩnh đạc chốt hạ: “Trẫm không bao giờ nuốt lời. Phải kính cẩn tuân theo” chắc không thể không nhận biết sau lưng ông là lực lượng thủy quân Tây Sơn hùng hậu. Ngay các sĩ quan châu Âu theo phò Nguyễn Ánh cũng thất kinh cho rằng rất đáng gờm về phương diện tầm vóc cũng như kỹ thuật quân sự: hàng nghìn chiến hạm, từ loại nhỏ 70 thủy thủ đến các loại 150, 200, cho đến loại lớn nhất có 60 khẩu đại bác bắn đạn cỡ 24 livres và 700 thủy thủ, ngoài ra còn thuyền vận tải quân lương, có lúc cả vài nghìn cánh buồm được huy động rợp trời. “Nhà Thanh gặp chiến thuyền cao to của Tây Sơn thì không thể địch được”, nhân chứng Thanh triều thừa nhận trong “Thánh vũ ký”.
Khi các hào kiệt non Tây trỏ gươm về Biển Đông, lực lượng thủy binh Tây Sơn mở gió tung buồm ra khơi, xuôi Nam ngược Bắc, ngoài việc góp cùng các lực lượng quân sự khác viết nên những trang sử vàng Rạch Gầm - Xoài Mút và Ngọc Hồi - Đống Đa, còn viết nên những trang đặc trưng về kinh tế chính trị và an ninh quốc phòng trên biển, tô điểm màu áo vải cờ đào chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa giữa nền trời sóng tung chớp giật trung cận đại. Thật hoàn chỉnh từ khởi đầu “Hịch Tây Sơn”: “Chước vẹn toàn đã tạc đá Hoành Sơn/ Binh tức khắc lại giương buồm Bắc Hải”.
NGUYỄN THANH MỪNG