Anh hùng Lao động Hoàng Chương: Trọn đời cống hiến cho văn hóa dân tộc
GS Hoàng Chương - quê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định - đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. GS Hoàng Chương đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cánh chim không mỏi
Tháng 6.2000, sau khi về hưu, GS Hoàng Chương (hiện sống ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc, đến năm 2019 chuyển thành Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trực thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Trong 20 năm qua (2000 - 2020), Viện có nhiều thành tựu nổi bật, nhất là về nghiên cứu khoa học, đồng thời phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo khoa học về các danh nhân, anh hùng dân tộc, văn nghệ sĩ nổi tiếng, các bộ môn nghệ thuật truyền thống…
GS Hoàng Chương (ngồi) dự lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được tổ chức trang trọng tại TP Hà Nội ngày 22.4.2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở góc độ cá nhân, GS Hoàng Chương có nhiều công trình khoa học như: Tuồng và Võ thuật dân tộc (năm 2012), Nghệ thuật Bài chòi (2017), Tuồng, báu vật của văn hóa dân tộc (2019). Ông còn tham gia giảng dạy ở nhiều trường nghệ thuật trong nước và từ năm 2009 - 2011 còn đứng lớp giảng về nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở nhiều trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Đóng góp lớn trên nhiều phương diện như vậy nhưng điều GS Hoàng Chương tâm đắc lại là những vấn đề gần gũi với cuộc sống dù thoạt nghe có vẻ đơn giản. Có lần khi trò chuyện với tôi, GS Hoàng Chương cho biết: Một trong những điều khiến tôi tâm đắc nhất là đã lập và đề nghị Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT cho triển khai thực hiện 2 dự án lớn “Sân khấu học đường” và “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” nhiều năm ở nhiều tỉnh, thành trong nước.
Tấm lòng với quê hương Bình Định
GS Hoàng Chương đã vận động, kết nối để UBND tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội thảo khoa học tại Bình Định về danh nhân Đào Tấn (năm 2007); thân thế, sự nghiệp nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (năm 2012); “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ” (năm 2013). Bên cạnh đó, tỉnh còn phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Bình Định - Tây Sơn với Thăng Long - Hà Nội tại TP Hà Nội (năm 2010), Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn tại TP Hồ Chí Minh (năm 2015).
Điều may mắn của người viết là được dự hầu hết các hội thảo kể trên và lần nào cũng tự hỏi, vì sao mà một người đã qua tuổi thất thập như ông vẫn tràn trề năng lượng như thế. Cuối cùng, tôi hỏi trực tiếp và được GS Hoàng Chương vui vẻ chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trong kháng chiến chống Pháp tại Bình Định - mảnh đất địa linh nhân kiệt, được xem là “cái nôi” của võ thuật và nghệ thuật tuồng, bài chòi. Văn hóa dân tộc đã ăn sâu trong máu thịt tôi từ nhỏ, tạo nên nguồn động lực to lớn để tôi gắn mình cùng sự nghiệp bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam từ khi còn là một thiếu niên cho đến hôm nay…
Khi Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc được Bộ VH-TT&DL cho phép thực hiện dự án “Phục hồi nghệ thuật Bài chòi ở thủ đô Hà Nội” trong hai năm 2010 - 2011, GS Hoàng Chương đã đề nghị đưa đoàn nghệ nhân bài chòi từ Bình Định ra Hà Nội để tổ chức hội đánh bài chòi dân gian Bình Định nhân kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2012). Nghệ nhân nhân dân Minh Đức, người tham gia hội đánh bài chòi năm ấy tại thủ đô Hà Nội, chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của GS Hoàng Chương mà nghệ nhân chúng tôi mới lần đầu được biểu diễn phục vụ khán giả Hà Nội, với nhiều cảm xúc, kỷ niệm đẹp. Theo tôi được biết, đến nay đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất hội đánh bài chòi dân gian Bình Định được quảng bá ở thủ đô”.
GS Hoàng Chương tên đầy đủ là Trương Hoàng Chương, sinh năm 1934 tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, huyện An Lão.
Từ năm 1950 - 1951, ông tham gia thiếu sinh quân, học và vào Đoàn văn công Liên khu 5. Năm 1962 - 1964, ông tập kết ra Bắc, sau đó du học ngành sân khấu tại Nga. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nga, trở về nước ông học thêm ngành Văn tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp về công tác tại Bộ Văn hóa.
Từ năm 1969 - 1973, ông làm nghiên cứu sinh về sân khấu ở Rumani. Từ 1973 - 1998, ông lần lượt đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong ngành sân khấu, trong đó chức vụ cao nhất là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam.
HOÀI THU