Một tư liệu quý về võ Việt
Sách Võ cử và người đỗ võ khoa ở nước ta của TS Nguyễn Thúy Nga, do Nhà xuất bản Khoa học - Xã hội ấn hành, giới thiệu chi tiết về chế độ võ cử, các khoa thi võ của hai triều đại Lê - Nguyễn; đặc biệt giới thiệu khá đầy đủ về những khoa thi võ tổ chức tại Trường thi Bình Định và những võ nhân Bình Định.
Sách gồm 4 phần: Thảo luận về võ cử; Danh sách người đỗ; Phụ lục; Bảng tra cứu người đỗ. Theo tác giả, kể từ khoa thi võ đầu tiên năm Bảo Thái thứ 5 (1742) đến cuối đời Tự Đức (1880), võ cử nước ta trải qua chặng đường 138 năm với 209 người đỗ tạo sĩ, tiến sĩ và 110 người đỗ phó bảng ngạch võ. Đáng lưu ý, theo TS Nguyễn Thúy Nga, Bình Định từng là địa phương được chọn để tổ chức các cuộc thi tuyển võ. Theo đó, kể từ năm Tự Đức thứ 20 (1867), nhà Nguyễn đã quyết định cho mở 2 trường thi Hương võ ở Hà Nội và Bình Định. Trong đó, Trường thi Bình Định tuyển thí sinh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Đặc biệt, trong số những người đỗ đạt cao (Võ tiến sĩ, Võ phó bảng, Võ cử nhân) có một số người quê Bình Định. Tiêu biểu trong số này theo TS Nguyễn Thúy Nga có: Ông Ngô Phúc Thưởng thi đỗ Đồng Tạo sĩ năm Cảnh Hưng 46 (1785); ông Nguyễn Văn Tứ thi đỗ Võ cử năm Tự Đức 17 (1864) khi đã 52 tuổi. Sau khi đỗ Võ cử, ông được sung vào học tập ở Võ học đường và sau đó thi Hội thì đỗ thứ nhì hạng thứ Trúng cách. Còn ông Đặng Đức Tuấn thì thi đỗ Võ cử khi mới 36 tuổi. Sau khi đỗ Võ cử, ông được sung vào học tập ở Võ học đường và sau đó thi Hội thì đỗ đầu hạng Trúng cách.
VIẾT HIỀN