Phong trào sinh vật cảnh Tuy Phước trên đà phát triển mạnh
Thời gian qua, phong trào sinh vật cảnh trên địa bàn huyện Tuy Phước đã có những bước phát triển sâu rộng. Hội Sinh vật cảnh huyện có 8 chi hội với 376 hội viên, trong đó có 27 hội viên được công nhận nghệ nhân sinh vật cảnh cấp quốc gia, 121 hội viên được công nhận nghệ nhân sinh vật cảnh cấp tỉnh.
Để định hướng phát triển phong trào, Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Tuy Phước thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về phát triển nghề SVC trở thành ngành kinh tế, động viên hội viên không ngừng tìm tòi sáng tạo, mở rộng trồng thêm hoa, cây cảnh bon sai phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Hội còn đẩy mạnh công tác đào tạo cho hội viên thông qua các hội thảo, lớp dạy nghề chăm sóc, cắt, uốn hoa, cây cảnh để nâng cao tay nghề, cập nhật kỹ thuật mới, thay đổi nếp nghĩ, tìm cách làm mới phù hợp nhu cầu thị trường. Nhờ đó, phong trào SVC ở địa phương hiện đã vươn lên tốp đầu của tỉnh.
Nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật có giá trị kinh tế cao của nghệ nhân, nhà vườn Tuy Phước tham gia Triển lãm SVC huyện năm 2021
Hơn 40 năm hoạt động trong nghề SVC ở thị trấn Tuy Phước, nghệ nhân Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: “Thời gian qua, nghề SVC có những thăng trầm nhất định. Song nhìn chung, phong trào SVC ở huyện đã có những bước phát triển khá bền vững. Kết quả này xuất phát từ sự chịu khó của nhà vườn trong việc chủ động đầu tư, đổi mới, đa dạng sản phẩm cây thế, bon sai nghệ thuật, đáp ứng thị hiếu thị trường. Hiệu quả kinh tế cao từ nghề SVC đã thu hút nhiều hội viên, nhà vườn tham gia”.
Giờ đây, số lượng nghệ nhân SVC ở Tuy Phước có tay nghề cao, sở hữu nhiều tác phẩm bon sai nghệ thuật được người mua trả giá rất cao không còn là chuyện hiếm như trước. Điển hình là nghệ nhân Huỳnh Thanh Tuyên (thị trấn Diêu Trì), đang sở hữu tác phẩm cây duối cổ độc đáo được đặt tên “Thế võ Bình Định” đã có người ra giá hơn 3 tỷ đồng.
“Hoạt động của Hội SVC huyện thời gian qua đưa đến nhiều tín hiệu tích cực trong giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hội SVC các cấp và hội viên, nghệ nhân SVC đã tham gia cùng với địa phương qua việc tư vấn, giới thiệu nhiều loại hoa cây cảnh phù hợp với thổ nhưỡng, không gian quy hoạch đô thị, khu dân cư, công sở, nơi sinh hoạt động đồng… góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”.
Ông NGUYỄN HÙNG TÂN, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước
Hội SVC huyện còn tích cực tổ chức cho hội viên đi tham quan, giao lưu tại các địa phương có phong trào SVC phát triển mạnh trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành ở miền Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội cũng khuyến khích hội viên đưa cây cảnh đi tham dự các cuộc trưng bày, triển lãm SVC để học hỏi kinh nghiệm, tìm đầu ra cho cây cảnh và giành nhiều thứ hạng cao. Đơn cử, trong năm 2019, Hội SVC Tuy Phước có 3 tác phẩm đạt giải A tại Triển lãm SVC toàn quốc, tổ chức tại TP Hà Nội.
Hội SVC huyện còn tự tạo sân chơi để hội viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm SVC. Vừa qua, từ ngày 26.4 - 2.5, Hội SVC huyện tổ chức thành công Triển lãm SVC năm 2021, thu hút sự tham gia của 100 nghệ nhân trong và ngoài tỉnh với 1.000 tác phẩm trưng bày. Ông Từ Hải, Chủ tịch Hội SVC Tuy Phước, chia sẻ: “Triển lãm năm nay tiếp tục góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa SVC truyền thống của quê hương; tạo kết nối, lan tỏa để thúc đẩy phong trào SVC nói riêng và các dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ chăm sóc cây cảnh của huyện ngày càng phát triển. Từ đó, tăng cường liên kết, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa SVC, đồng thời đáp ứng nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao hơn của những người yêu thích cây cảnh nghệ thuật”.
Chủ tịch Hội SVC tỉnh Nguyễn Duy Quý nhìn nhận: Hội SVC huyện Tuy Phước là đơn vị SVC mạnh của tỉnh cả về số lượng hội viên lẫn chất lượng cây cảnh nghệ thuật có giá trị kinh tế cao. Được biết, phong trào sinh vật cảnh phát triển đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển KT-XH của địa phương.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI