Bộ sưu tập kiếm ở Bảo tàng Quang Trung
Tại nhà trưng bày của Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), có bộ sưu tập kiếm thời Tây Sơn được trưng bày trang trọng trong 3 tủ kính ở các khu vực khác nhau.
Còn nguyên vẹn nhất là 21 thanh kiếm (ảnh) tìm thấy ở Gò Kho - vùng căn cứ địa Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc TX An Khê, tỉnh Gia Lai), được nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi) trao tặng Bảo tàng Quang Trung cách đây gần 10 năm. Kiếm có lưỡi bằng sắt, chuôi bằng đồng, phía dưới các chuôi kiếm đều có một chốt nhỏ hình tròn...
Bộ sưu tập thứ hai được trưng bày là hơn 70 thanh kiếm tìm thấy trong cuộc khai quật di tích thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) năm 2008, với nhiều kích thước hơn, phần lớn đều không còn nguyên vẹn ở phần chuôi.
Thứ ba là các thanh kiếm được trưng bày cùng với giáo vớt ở khu vực sông Tiền, nơi nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785) vang dội trong lịch sử đấu tranh chống ngoặc ngoại xâm của dân tộc.
Các thanh kiếm tìm thấy ở các miền khác nhau nhưng về cơ bản giống nhau về kiểu dáng, có lưỡi kiếm hơi cong, chiều dài kiếm chỉ khoảng 50 - 100 cm, bề rộng của mặt kiếm chỉ khoảng 3 - 5 cm.
Một lần, tại nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi được nghe nhiều du khách sau khi ngắm kiếm xong thì suy luận, kiếm khá ngắn, nhỏ như thế này, nên có lẽ nghĩa quân Tây Sơn thời đấy cũng thấp bé, nhẹ cân, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường, giỏi võ nghệ của họ, dưới sự chỉ huy của nhiều tướng lĩnh Tây Sơn tài ba, đã làm kinh hồn bạt vía quân thù…
Bài, ảnh: HOÀI THU