Linh Phong thiền tự: Một chốn tâm linh đặc biệt
Linh Phong thiền tự, dân gian quen gọi là chùa Ông Núi (ở thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát), là một trong những ngôi cổ tự danh tiếng. Hiện trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới còn lưu giữ được khá nhiều bản khắc ghi chép về ngôi chùa này.
Chùa Linh Phong do Thiền sư Lê Ban tạo lập. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện chính biên nhị tập, quyển 43, mặt khắc 6, 7 ghi chuyện này như sau: “Linh Phong thiền sư: Không rõ là người thế nào, hoặc nói: họ Lê, tên Ban, người ở Kinh Triệu Bắc, chống gậy tích trượng sang Nam đến thành Quy Nhơn, thấy phía Đông Bắc thành độ 30 dặm có núi cao cây đá rừng suối cảnh trí sầm uất, bèn dựng gậy ở đó. Kết vỏ cây làm áo, tiêu dao ở trong hang núi. Người ta chỉ gọi là sơn động, ở được vài năm chỗ lưng chừng núi có nước suối chảy xiết, thấy phá gai góc chở đá to đến xây đắp dựng một cái am nhỏ kết bằng cỏ tranh và tre, không mấy hôm đã xong, tựa hồ có sơn binh ngầm giúp. Khi am thành gọi là chùa Dũng Tuyền, chùa gối vào ngọn núi rất cao, nước suối trong chảy réo xiết, hai bên tả hữu dây mây quấn leo đã lâu và đá cây hoa đều khác lạ... Sơn ông thường qua đó ngồi một mình niệm kinh, nhiều khi chơi đùa với hổ, báo, hươu, nai quên cả vật và ta…”.
Chùa Linh Phong. Ảnh: HOÀI THU
Như vậy, theo Mộc bản triều Nguyễn, thì xưa kia chùa vốn là một ngôi thảo am với tên gọi là chùa Dũng Tuyền. Về sau, chùa dần dần được tu sửa, xây dựng với quy mô lớn. Khi hay tin Hòa thượng Lê Ban là một bậc chân thiền, chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng cho tên hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền sư và đặt tên chùa là Linh Phong thiền tự. Ngoài ra, chúa còn ban tặng cho chùa một câu đối liễn. Việc này Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 9, mặt khắc 27 còn ghi rõ.
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chúa xuống sắc cho triệu Thiền sư Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão về kinh đô bàn luận đạo Phật gần cả tháng. Khi ra về, để tỏ sự yêu mến khác thường, chúa gia ơn ban cho Thiền sư chiếc áo cà sa và 1 cặp vòng ngọc móc vàng để làm pháp phục.
Sau khi lên ngôi vua Gia Long rất hay hỏi thăm tới chùa. Cả vua Minh Mạng cũng rất lưu tâm đến chùa Linh Phong. Mộc bản sách Đại Nam liệt truyện nhị tập, quyển 43, mặt khắc 7 ghi rằng: “Đến Thế tổ Cao Hoàng đế (Gia Long) sau khi đại định thường có hỏi tới. Minh Mạng năm thứ 7 (1826) cho chiếc áo cà sa mới may và móc vàng vòng ngà 1 cặp để thờ, cùng lấy bạc ở trong kho 120 lạng sai trùng tu lại. Trước đây nhà vua khó ở mới nằm ngủ chiêm bao thấy một lão tăng mặc áo vỏ gỗ đứng cạnh bên giường hầu quạt, đến sớm mừng thấy yên, bèn đem mộng triệu bảo với các quan, nhân nhớ khi trước, có việc ông áo gỗ ở núi Linh Phong, bụng lấy làm lạ, nên có mệnh ấy”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 68, mặt khắc 24, 25 ghi về việc vua Minh Mạng cho sửa chùa Linh Phong vào năm Canh Dần (1830). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
4 năm sau, tức năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng cho xuất ngân khố 300 lạng bạc để sửa chùa. Năm Ất Mùi (1835), có người ở địa phương đào được 3 pho tượng Phật Quan Âm và 2 pho tượng Hộ Pháp đem nộp. Tổng đốc Vũ Xuân Cẩn đem việc tâu lên, vua Minh Mạng sai thưởng cho người đào được tượng 50 quan tiền; lệnh mang 1 tượng Quan Âm, 1 tượng Hộ Pháp để lại ở chùa Linh Phong; ngoài ra còn dâng cúng 100 quan tiền; 3 pho tượng còn lại sai đưa về kinh, chia cho các đền chùa. Đến triều vua Thành Thái, vào năm Đinh Dậu (1897), vua cũng ban 70 lạng bạc để tu sửa chùa Linh Phong.
Không chỉ riêng các vua chúa nhà Nguyễn mới quan tâm đặc biệt đến chùa Linh Phong, mà nhiều đại thần triều đình vì yêu mến mến cảnh đẹp, khí thiêng sông núi hội tụ nên cũng thường đến chùa thưởng lãm. Điển hình Hiệp biện đại học sĩ Vinh quang tử là Đào Tấn cũng thường lui tới vãn cảnh chùa. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 43, mặt khắc 9 ghi: “Đầu năm Hàm Nghi nhân cớ việc về Nam, mượn tiếng tham thiền để lánh mặt, có lên núi tìm cổ tích, nhân được một bộ tạng Pháp hoa kinh giải, chính tay Sơn ông giải thích cộng hơn 200 bản cùng 7 cái ấn triện khắc bằng ngọc thạch là: Bán sơn trung tự, Khai sơn dũng tuyền ông, Nhân hiệu Sơn ông, Thạch trung kiến ngã, Tĩnh phương, Tịch tính và Thạch thất, rất cổ. Tấn lau chùi đưa cho sư ông cất giữ.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, chùa Linh Phong đã trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo người dân. Hằng năm, chùa đón tiếp hàng vạn người đến tham quan, chiêm bái.
CAO THỊ QUANG