XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ SĨ NHÂN DÂN, NGHỆ SĨ ƯU TÚ:
Quy định cụ thể, mở rộng hơn
Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/ NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, đã có hiệu lực từ ngày 15.5.2021. Theo đó, tiêu chuẩn xét tặng đối với các nghệ sĩ được quy định cụ thể, mở rộng hơn.
Theo Điều 8 Nghị định 89/2014 quy định nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) phải: “Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên… Đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT”. Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung thêm cụ thể hơn: “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên… Đã được tặng danh hiệu NSƯT và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân). Có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân). Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định… nhưng được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể theo quy định”.
Nghệ sĩ Thùy Dung và Hoài Tâm thể hiện vai diễn trong vở Thanh gươm công lý.
Theo Điều 9 Nghị định 89/2014 thì danh hiệu NSƯT được xét tặng cho đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn: “Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên… Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia”. Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung: “Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên… Đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân). Có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân). Có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân). Những cá nhân thiếu giải thưởng theo quy định nhưng có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc... được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Như vậy, Nghị định 40/2021 có nhiều quy định tiêu chuẩn cụ thể hơn so với trước, tháo gỡ được một số vướng mắc. Ví dụ ở quy định cho trường hợp NSƯT không có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia cá nhân được phép quy đổi bằng 3 giải vàng Quốc gia được tính theo bảng quy đổi giải thưởng. Chẳng hạn, một vở diễn sân khấu được tặng HCV tại liên hoan, cuộc thi, hội diễn về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH-TT&DL tổ chức, thì các cá nhân tham gia theo quy định được tính quy đổi như: Diễn viên chính (có tên trong bảng phân vai) được tính 1/2 HCV, diễn viên thứ chính (có tên trong bảng phân vai) được tính 1/3 HCV...
Sau khi Nghị định số 40/2021 có hiệu lực chính thức ngày 15.5.2021, Bộ VH-TT&DL sẽ ban hành Kế hoạch đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 với hướng dẫn cụ thể. Theo tìm hiểu sơ bộ của người viết, trong lực lượng nghệ sĩ hiện nay của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, có một số diễn viên trong tầm tuổi 40 đáp ứng tiêu chuẩn xét tặng NSƯT, như: Các diễn viên ca kịch bài chòi Thùy Dung, Phương Phú, Hoài Tâm; các diễn viên tuồng Mai Ngọc Nhân, Thu Thẳm, Đức Thành. Nghệ sĩ Thùy Dung (36 tuổi) chia sẻ: “Tôi đã làm hồ sơ trong hai lần trước đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT, dù đã đáp ứng tiêu chuẩn về số lượng HCV cá nhân nhưng chưa đủ thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp theo quy định... Hiện tôi và chồng là nghệ sĩ Phương Phú đều đoạt 4 HCV cá nhân và đáp ứng về thâm niên”. Đối với xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT Băng Châu (diễn viên ca kịch bài chòi) đã bổ sung thêm vào bảng thành tích tấm HCV cá nhân tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019, nay có thể xem xét đề nghị tặng danh hiệu cao hơn.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: “Nhà hát đang chờ văn bản hướng dẫn về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, căn cứ vào đó để rà soát, xem xét, đề nghị xét tặng đối với các nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, thành tích, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nhằm ghi nhận nỗ lực không ngừng rèn luyện, cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của họ”.
Bài, ảnh: HOÀI THU