Chiếc bao tượng của người chiến sĩ tự vệ
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã trôi qua hơn 70 năm, thế nhưng một số kỷ vật về thời kỳ oanh liệt này vẫn được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ cẩn thận và thu hút sự chú ý khá nhiều khách tham quan. Trong số đó có kỷ vật là chiếc bao tượng (còn gọi là ruột tượng, ruột nghé) của đồng chí Nguyễn Vạn Thuận, một chiến sĩ tự vệ quê ở xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn.
Đồng chí Nguyễn Vạn Thuận sớm tham gia cách mạng và được kết nạp vào Mặt trận Việt Minh xã vào tháng 4.1945. Tháng 6.1945, đồng chí Thuận là đội trưởng đội tự vệ sắt của thôn kiêm cán sự thanh niên cứu quốc thôn Liễu An, xã Sơn Châu. Trong thời gian này, đồng chí là thành viên đội bảo vệ bí mật đặc trách bảo vệ lãnh đạo của tỉnh là 2 đồng chí Ngô Đức Đệ và Trần Quang Khanh khi họ về ngụ tại nhà ông Lê Quảng, ở thôn Liễu An. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại địa phương, đồng chí Thuận hăng hái tham gia bảo vệ quần chúng nhân dân đấu tranh chính trị cướp chính quyền tại thôn, xã và kéo xuống Tam Quan, Bồng Sơn giành chính quyền về tay nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Thuận chuyển công tác qua ngành công an vũ trang của tỉnh. Trong thời gian này, đồng chí cùng đơn vị hành quân đánh giặc Pháp đổ bộ lên đèo An Khê, phá vỡ âm mưu của giặc lấy An Khê làm bàn đạp tấn công xuống vùng tự do liên khu 5 và trước tiên là Bình Định. Trong chiến dịch dài ngày này, chiếc bao tượng là vật dụng hữu ích, luôn bên cạnh đồng chí trên đường hành quân.
Bao tượng là vật dụng phổ biến trong dân gian thời ấy, thường được dùng để đựng lương thực, chủ yếu là gạo, cho những chuyến đi dài ngày. Trong kháng chiến chống Pháp, bên cạnh vũ khí, đạn dược, chiếc bao tượng đeo vắt chéo ngang vai, bên trong đựng gạo dự trữ là quân trang không thể thiếu.
Kháng chiến chống Pháp thành công, trong hành trang tập kết ra Bắc của mình, đồng chí Nguyễn Vạn Thuận vẫn trân trọng mang theo chiếc bao tượng - kỷ vật kháng chiến. Năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trở về Bình Định công tác, đồng chí lại mang về kỷ vật này và hiến tặng cho Bảo tàng Tổng hợp Nghĩa Bình để trưng bày, phát huy giá trị của hiện vật.
NGUYỄN VIẾT TUẤN