Hình tượng Bác Hồ: Phong phú từ sân khấu kịch đến phim điện ảnh
Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư và chan chứa tình yêu dân tộc chính là những giá trị bất biến mà phim ảnh, kịch sân khấu luôn muốn truyền tải về hình tượng Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc.
(Từ trái sang, trên xuống) NSND Bùi Bài Bình trong “Nhà tiên tri”, NSƯT Tiến Hợi trong “Hà Nội - Mùa Đông năm 46”, Minh Hải trong “Vượt qua bến Thượng Hải”, Mạnh Trường trong “Thầu Chín ở Xiêm” và NSƯT Trần Lực trong “Nguyễn Ái Quốc ở Hông Kông”. (Ảnh tư liệu)
Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ vẫn luôn là một con người thân thương gần gũi, là tấm gương sáng cho mọi người dân Việt Nam học tập và noi theo. Tờ Văn nghệ Quân đội nhận định rằng trong lịch sử đương đại, hiếm có hình tượng, nhân vật nào lại tạo cảm hứng cho thơ văn, nhạc họa nhiều như Bác Hồ. Bên cạnh đó, các bộ phim, vở kịch về Người cũng luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, với nhiều bài học quý giá được truyền lại cho lớp lớp thế hệ…
Nói đến các vở kịch sân khấu và phim tiêu biểu không thể không nói đến vở kịch tái hiện câu chuyện Bác Hồ xử một vụ tham nhũng có thật năm 1950 (“Đêm trắng”) hay phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên về Người dưới bàn tay của đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh (“Hà Nội - Mùa Đông 46”)...
Chính trực trên sân khấu kịch
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm kịch lớn, nhỏ. Kể từ sau khi Bác qua đời, sân khấu kịch đã rục rịch lên kế hoạch làm ra những tác phẩm để tri ân Người.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Lê Huy Quang (Hội Nhà văn Việt Nam), những vở “Lịch sử và nhân chứng”, “Bài ca Điện Biên” và “Đêm trắng” đã gặt hái nhiều thành công và để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ nhất.
Từ trước tới nay, người Việt Nam luôn lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tấm gương cho những phẩm chất “Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.” Hai chữ “liêm chính” cũng là lý do vì sao suốt hàng chục năm nay, người ta vẫn luôn nhắc đến vở “Đêm trắng” (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn bởi Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Hoàng Giang - về sau là Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc).
Diễn viên Minh Hải trong tạo hình Bác Hồ, phiên bản “Đêm trắng” của đạo diễn Xuân Bắc. (Ảnh: Nhà hát kịch Hà Nội)
Năm 1990, “Đêm trắng” từng giành huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. 15 năm sau, Nhà hát kịch Hà Nội dựng lại vở kịch và cho ra mắt khán giả toàn quốc. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, vở kịch vừa tiếp tục đạt giải cho vở diễn xuất sắc nhất 2020 của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam.
“Đêm trắng” là câu chuyện có thật xảy ra năm 1950, trong bối cảnh kháng chiến chống Pháp đang diễn ra quyết liệt nhưng phe ta rơi vào tình cảnh thiếu lương thực nặng nề. Trong khi cả Bác và toàn bộ quân dân của khu ATK đều phải nhịn ăn mỗi ngày một bữa để góp gạo cho cuộc chiến thì một cựu đại tá lại ăn chơi sa đọa, cắt xén công quỹ, vui vẻ trên xương máu của những người đồng đội.
Những “đêm trắng” chính là những đêm trăn trở, mất ngủ khi Bác Hồ cân nhắc, xem xét mức án cho viên đại tá này. Sau các nghệ sỹ Văn Tân, Tiến Hợi, diễn viên trẻ Minh Hải trở thành người tiếp theo nhận cả vinh dự và trách nhiệm khi vai Bác Hồ.
Khi được hỏi về diễn xuất và khả năng thể hiện của lứa thế hệ trẻ trên sân khấu kịch như Minh Hải, trên phim điện ảnh như Mạnh Trường, nghệ sỹ Tiến Hợi cho rằng họ vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể truyền tải hình ảnh, thần thái của Bác bởi đây vốn chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng.
Nghệ sỹ Tiến Hợi trong tạo hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)
Ở đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” còn ghi nhận nhà viết kịch Ngọc Thụ vì đã hoàn thành 9 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, ông có ba vở đã được dàn dựng và nhận khen thưởng từ Ban tuyên giáo Trung ương cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Có thể khẳng định những tác phẩm nghệ thuật có thêm thắt chi tiết hư cấu, nhưng vẫn dựa trên tinh thần cốt lõi về con người của Bác chính là một cách để thế hệ sau này tri ân tới vị cha già dân tộc. Chính những phẩm chất của một vị cha già đáng kính của dân tộc đã vượt xa hơn mỗi tác phẩm, từ đó tiếp tục truyền cảm hứng cho không chỉ những người sáng tạo mà còn cả đông đảo khán giả của các loại hình nghệ thuật này.
Cảm hứng bất tận của điện ảnh
Không chỉ đối với sân khấu kịch, từ sớm, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiến sỹ Văn học Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết hầu hết các phim đều thuộc thể loại phim tài liệu, mang đến những hình ảnh, câu chuyện chân thực nhất về hoạt động của Bác ở cương vị chủ tịch nước.
“Mọi mưu cầu, hành động của Bác đều hết mực giản dị, gần gũi nhưng hết sức thiết thực, lớn lao với đời sống nhân dân”, Tiến sỹ Mai Anh Tuấn nhận xét. Ông cũng cho biết các bộ phim về sau này đều có chung xu hướng khắc họa hình tượng Bác Hồ trong thời gian kháng chiến chống Pháp, giúp lấp đầy khoảng trống về giai đoạn cuộc đời Bác mà những bộ phim tài liệu trước đó chưa phản ánh được.
Đó là những bộ phim “Hà Nội - Mùa Đông 46” (1997, hay được gọi là "Hà Nội - Mùa Đông năm 46") của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (2003), “Nhìn ra biển cả” (2010), “Vượt qua bến Thượng Hải” (2010, do hai nước Việt-Trung phối hợp sản xuất), “Thầu Chín ở Xiêm” (2015), “Nhà tiên tri” (2015). Nhiều phim gắn liền với tên tuổi của nhiều diễn viên nổi tiếng như NSND Bùi Bài Bình, NSƯT Trần Lực, Mạnh Trường...
Những phẩm chất tốt đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bộc lộ rõ nét trong những bộ phim điện ảnh ấy. “Bác luôn luôn sống ở thế chủ động”, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi nhận xét khi nghiên cứu, tìm hiểu để nhập vai Người trong “Hẹn gặp lại Sài Gòn” và “Hà Nội - Mùa Đông 46”.
Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi và bìa đĩa phim “Hà Nội - Mùa Đông 46”. (Ảnh tư liệu)
Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi từng được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là "Nghệ sĩ thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ ở nhiều thể loại nhất”. Ông cũng được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Kỳ - nguyên là thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành lời khen khi vào vai Bác. Để làm được việc đó, người nghệ sỹ đã xem nhiều phim tài liệu, đọc nhiều tư liệu và luyện giọng trong nhiều tháng.
Trong “Hà Nội - Mùa Đông 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, diễn viên Tiến Hợi (đảm nhiệm vai Bác Hồ) từng thay đổi một chi tiết trong kịch bản khiến đạo diễn cảm thấy vô cùng tâm đắc.
“Khi đó, anh Minh bảo tôi cứ tìm tòi sáng tạo thoải mái đi, đừng gò bó. Nếu có chi tiết gì muốn bàn bạc thêm thì cùng chia sẻ. Vậy tôi gợi ý thay đổi từ hình ảnh Bác châm thuốc lá bằng diêm thành châm thuốc bằng ngọn đèn dầu trên bàn. Một chi tiết rất nhỏ nhưng phản ánh đầy sống động về tính tiết kiệm của Bác”, Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi chia sẻ.
Lên sân khấu, ông mang theo ấn tượng về Người để mang đến những màn hóa thân tốt nhất. “Bác nói chuyện với ai, làm việc cùng ai cũng vậy - luôn rất dứt khoát, nghiêm túc và rõ ràng, chuẩn chỉ và đúng giờ. Thế nhưng, Bác vẫn rất dí dỏm, hài hước và luôn đùa mọi người để làm khuây khỏa bầu không khí vốn đã rất căng thẳng vì chiến tranh”, nghệ sỹ Tiến Hợi nói.
Theo Minh Anh (Vietnam+)