Gìn giữ Bình Thái Đạo
Môn phái Bình Thái Đạo đã từng một thời làm vang danh vùng đất võ An Thái- Bình Định. Do những thăng trầm lịch sử, môn phái này không còn hưng thịnh như ngày xưa. Rất may, với nhiều tâm huyết, võ sư Trịnh Ngọc Thanh với CLB võ thuật Bình Thái Đạo vẫn cố gắng gìn giữ Bình Thái Đạo ở Quy Nhơn.
1.
Phái võ An Thái được võ sư Diệp Trường Phát (tục gọi Tàu Sáu, sinh năm 1896) sáng lập nên cách đây khoảng 90 năm, trên cơ sở những gì lĩnh hội, khổ luyện được sau thời gian “tầm sư học võ” với các võ sư thuộc các môn phái nổi tiếng ở Trung Quốc, Hồng Kông kết hợp với việc nghiên cứu, rút tỉa thêm những tinh hoa võ thuật tại làng An Thái - nơi chôn nhau cắt rốn (nay thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn). Võ sư Diệp Trường Phát được đánh giá là bậc chân tài võ thuật, có công đào tạo nhiều học trò giỏi góp phần làm rạng danh võ cổ truyền Bình Định.
Sau khi võ sư Diệp Trường Phát qua đời, con trai ông là Diệp Bảo Sanh kế thừa sự nghiệp, trở thành chưởng môn đời thứ hai, lấy danh hiệu là Tây Sơn võ đường: Bình Thái Đạo. Trong số nhiều học trò của võ sư Diệp Bảo Sanh, Trịnh Ngọc Thanh là “đệ tử ruột” được ông tin tưởng truyền dạy hết những tinh hoa của môn phái. Sau giải phóng, võ sư Diệp Bảo Sanh ra nước ngoài định cư và mất đi, hầu hết những học trò của ông ngày xưa cũng lần lượt từ bỏ nghiệp võ. Riêng đối với võ sư Trịnh Ngọc Thanh, ông vẫn luôn khắc ghi lời dặn dò của sư phụ để một lòng kiên tâm gìn giữ Bình Thái Đạo.
Theo võ sư Thanh, môn phái Bình Thái Đạo có quy định về thời gian đào tạo các bậc học rất bài bản. Đầu tiên là bậc Tiểu thành, người học phải rèn luyện trong 24 tháng các bài quyền cơ bản của môn phái như Thất bộ, Tứ môn, Miêu tẩy diện, Long hổ hội, Ba chân hổ... Sau đó là bậc Trung thành có thời gian học 36 tháng, người học rèn luyện các bài binh khí như Tam tuyệt thần đao, Song đao Lưỡng long tranh châu, Roi một đầu…Đến bậc Đại thành kéo dài trong 72 tháng, người học rèn luyện hai bài quyền lợi hại là Hầu quyền, Xà quyền cùng các bài binh khí. Người nào kiên trì rèn luyện đến bậc cao nhất là Thượng thành, sẽ được truyền dạy bài quyền trấn môn là Quan Âm nhập trận mê hồn quyền. Võ sư Thanh cho biết: “Quan Âm nhập trận mê hồn quyền là sự tổng hợp những gì tinh túy của những bài võ đã được học trong suốt nhiều năm trước đó. Luyện bài quyền này phải dùng cả nhu công, nhuyễn công, ngạnh công, khí công, ngoại công…nên không giới hạn thời gian luyện tập để đạt được đến trình độ cao siêu “đánh theo ảo ảnh” như sư tổ Diệp Trường Phát”.
2.
Sau nhiều năm đi truyền dạy ở Gia Lai, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, võ sư Trịnh Ngọc Thanh đã trở về Quy Nhơn dạy võ từ năm 2000 cho đến nay. Để thu hút được nhiều người học, võ sư Thanh đã mở các lớp dạy võ ở Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, đồng thời nhận lời mời của Hội sinh viên Đại học Quy Nhơn truyền dạy cho sinh viên. “Thời xưa thì các thầy rất nghiêm khắc, luôn đòi hỏi cao học trò khổ luyện. Nhưng ngày nay đã khác, các em học võ chủ yếu để rèn luyện sức khỏe, tự vệ nên người thầy cũng phải biết mềm mỏng, động viên, tạo không khí vui vẻ khi luyện tập mới lôi cuốn, giữ chân các em gắn bó luyện tập lâu dài hơn với võ cổ truyền”.
Các lớp võ Bình Thái Đạo tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (dạy thứ 3,5,7) và Trường Đại học Quy Nhơn (thứ 2,4,6) luôn thu hút từ 40- 60 võ sinh là học sinh, sinh viên thường xuyên luyện tập. Võ sư Thanh cũng đã thành lập CLB võ thuật Bình Thái Đạo (thuộc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh) để tổ chức truyền dạy bài bản hơn. Hỗ trợ võ sư Thanh trong việc truyền dạy võ là hai con trai Trịnh Quốc Cường (chuẩn võ sư), Trịnh Quốc Đạt (huấn luyện viên cấp 15) cùng 10 học trò khác đã đạt trình độ huấn luyện viên võ cổ truyền.
Nhiều thành viên CLB võ thuật Bình Thái Đạo đã từng đoạt thành tích cao ở các giải võ cổ truyền của tỉnh. Anh Nguyễn Hữu Phước (23 tuổi) tâm sự: “Sau 6 năm luyện tập Bình Thái Đạo, tôi đoạt được 2 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc tại các giải võ cổ truyền của tỉnh, hiện đang tham gia làm huấn luyện viên để phụ giúp cho thầy. Tôi sẽ gắn bó với môn phái lâu dài để rèn luyện thêm về võ thuật và được truyền dạy những bài học làm người, như thầy luôn nhắc nhở học trò khắc cốt ghi tâm các quy luật của môn phái: không phản Sư phế Đạo, không ỷ tài hiếp người, không loạn dâm háo sắc, không sanh tâm đạo tặc”.
Gần 40 năm qua, võ sư Thanh đã truyền dạy Bình Thái Đạo cho hàng ngàn học trò ở khắp nơi. Tuy nhiên, ông vẫn canh cánh trong lòng nỗi niềm trăn trở khi tại vùng đất tổ An Thái, hiện nay không còn người dạy, người học Bình Thái Đạo…Võ sư Thanh bày tỏ: “Trong ngày giỗ tổ môn phái 18 tháng Giêng hằng năm, hiện chỉ còn duy nhất đoàn của thầy trò tôi về dâng hương tưởng nhớ tại ngôi nhà của sư tổ Diệp Trường Phát ở An Thái. Dù ở đây cũng còn mấy bậc sư huynh nhưng họ trước giờ không theo nghiệp dạy võ, nên đã đề nghị tôi về gầy dựng phong trào luyện tập Bình Thái Đạo trên mảnh đất đã sản sinh ra môn phái. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp để thực hiện tâm nguyện này”.
HOÀI THU
Nhóm võ Bình Thái Đạo không thể tan rã từ năm 2000 cho đến 2017 được.