Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi
(BĐ) - Chiều 6.8, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội là ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương và hơn 26 điểm cầu cùng lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành các địa phương và DN khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên; DN đầu mối xuất khẩu trong nước, sàn thương mại điện tử và nhà nhập khẩu nước ngoài.
Từ tháng 7.2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều điạ phương trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các địa phương phải tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động thương mại, vận tải hàng hóa… Do đó, việc tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn và thách thức, nhất là đang trong thời điểm thu hoạch rộ của nhiều trái cây như nhãn, chôm chôm, mít, cam, xoài…
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản khả năng cung ứng hiện nay của tỉnh gồm: Rau ăn lá (cải thìa, rau muống, rau dền, cải xanh…) 3 tấn/ngày; rau ăn quả (khổ qua, đu đủ, đậu bắp, dưa leo, mướp, bầu, bí…) 2 tấn/ngày. Thủy hải sản đông lạnh 2.720 tấn dự trữ, thủy hải sản tươi 600 tấn/vụ, thủy hải sản khô 3 tấn dự trữ, thủy hải sản chế biến 2 tấn/ngày… Thịt gia cầm như gà 20 tấn/ngày, thịt heo 1.750 tấn/đợt và trứng gia cầm 20.000 quả/ngày…Trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng thủy sản của tỉnh đã xuất khẩu sang 41 thị trường, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 24,5%, cao nhất trong các thị trường xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
Taị hội nghị, 12 ý kiến của lãnh đạo tỉnh, DN đầu mối xuất khẩu trong nước, sàn thương mại điện tử và nhà nhập khẩu nước ngoài đề ra một số vấn đề khó khăn khi đứt gãy chuỗi lao động, khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…và giải pháp cụ thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đang khẩn trương, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, hỗ trợ thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phát triển thị trường nông sản, thủy sản. Qua đó, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ bằng chính sách, cơ chế; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; nâng cao chất lượng công tác thu thập thông tin, dự báo diễn biến thị trường, điều chỉnh nguồn cung phù hợp với diễn biến dịch bệnh; phát huy vai trò của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường.
HẢI YẾN