Hỗ trợ ngư dân theo Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg: Ðiều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế hơn
Thời gian qua, khi đi vào thực tế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc tỉnh ta chủ động kết nối với các cơ quan trung ương để cùng bổ sung, điều chỉnh chính sách giúp ngư dân thêm yên tâm lao động, sản xuất.
Trong Quyết định số 52/2020/QĐ-UBND ngày 14.4.2020 của UBND tỉnh có quy định việc xác nhận khai thác trên vùng biển xa qua hệ thống giám sát hành trình (GSHT) tàu cá để xem xét hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc xác nhận này là quy định riêng của tỉnh Bình Định khi cập nhật các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, vừa nhằm ngăn ngừa gian lận vừa góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) khắc phục thẻ vàng EC.
Từ xử lý “phần ngọn” còn vướng mắc...
Đến nay vẫn còn lại 783 hồ sơ tàu cá năm 2020 của tỉnh ta sau khi đồng bộ dữ liệu với hệ thống giám sát tàu cá vẫn bị gián đoạn tin nhắn GSHT (chủ yếu từ 1 - 5 tin), nên không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Quyết định số 52/2020/QĐ-UBND. Sau khi kiểm tra, xác minh, các đơn vị cung cấp thiết bị nhận thấy lỗi ở các trường hợp trên không phải do ngư dân, Sở NN&PTNT đã đề xuất và ngày 23.7, UBND tỉnh có văn bản đồng ý về chủ trương xác nhận 783 hồ sơ bị gián đoạn tin nhắn GSHT. Đây là cơ sở để các hồ sơ đề nghị hỗ trợ đủ điều kiện thẩm định.
Ông Phan Văn Tựu, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98879-TS, xem lại thiết bị GSHT trên tàu vào chiều 7.8 tại cảng cá Quy Nhơn, chuẩn bị để buổi tối cùng ngày đi khai thác thủy sản ở vùng biển xa. Ảnh: HOÀI THU
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), Tổ trưởng Tổ thẩm định hồ sơ tàu cá thực hiện Quyết định số 48, cho biết: Do dịch Covid-19, Tổ thẩm định gồm 17 thành viên đại diện các sở, ngành, địa phương tạm ngưng họp giải quyết 783 hồ sơ tàu cá. Dù vậy chúng tôi sẽ đề xuất giảm một vài thành viên để cuộc họp đủ điều kiện tiến hành, cố gắng hoàn thành việc thẩm định các hồ sơ này trước ngày 15.8.
Đến giải quyết “phần gốc” của vấn đề
Trong khoản 4 Điều 8 của Quyết định số 52/2020/QĐ-UBND có quy định: “Tàu cá phải bảo đảm thiết bị GSHT hoạt động liên tục 24/24 giờ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh tối thiểu 12 vị trí/ngày với tần suất 2 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên, tối thiểu 8 vị trí/ngày với tần suất 3 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m...”.
Chính việc không gửi đủ số lượng tin nhắn GSHT khiến 783 hồ sơ bị ách lại từ năm 2020 đến nay và điều đáng lo là nguy cơ tiếp tục phát sinh thêm nhiều hồ sơ tương tự trong năm 2021 nếu các đơn vị cung cấp thiết bị lại “xác định rõ một số nguyên nhân nhưng không xuất phát từ lỗi của ngư dân”.
Ông Phan Văn Tựu, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98879-TS chuyên hoạt động ở vùng biển Trường Sa, nhìn nhận: Chuyện thiết bị GSHT trục trặc do khách quan không ai biết trước được. Còn khi xác định nguyên nhân việc gián đoạn tin nhắn, phía cung cấp thiết bị cũng chỉ kết luận “không do ngư dân”, nhưng do đâu thì chính họ cũng không biết. Nghe thì đơn giản vậy nhưng ngư dân thì khổ trăm bề! Thật ra vẫn có thể xác minh thực tế tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển xa có vi phạm quy định không nếu kết hợp các thông tin khác. Chẳng hạn, cứ theo lịch sử tọa độ của tàu sẽ thấy, khi ở cách vùng biển nước ngoài khoảng 50 hải lý, tàu cá thường chạy với vận tốc 5 - 7 hải lý/giờ, có nhanh lắm cũng chỉ khoảng 10 hải lý/giờ; khi đó không có lý do gì để ngư dân cố tình ngắt kết nối thiết bị GSHT trong vài ba giờ nhằm làm gián đoạn tin nhắn báo vị trí, vì không thể chạy kịp vào vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản bất hợp pháp...
Thật ra, nếu loại bỏ yếu tố “tin nhắn”, gần như toàn bộ các hồ sơ sẽ hợp chuẩn để được thẩm định. Câu chuyện “thiết bị trục trặc không rõ nguyên nhân” trong 2 năm qua khiến không chỉ ngư dân bức xúc mà nhiều cán bộ thực thi công vụ cũng bị mắc kẹt. Chính vì thế khi UBND tỉnh chủ động kết nối với các ngành ở trung ương và đồng ý về chủ trương xử lý vướng mắc này, ngư dân rất phấn khởi.
Hơn thế nữa, Sở NN&PTNT còn gửi văn bản đến các sở, ngành, địa phương liên quan đề nghị góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 52. Trong đó, Sở NN&PTNT có đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 8 của Quyết định số 52 cho phù hợp thực tế như sau: “Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải đảm bảo thiết bị GSHT hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá xuất bến ra ngư trường khai thác đến khi tàu về bến; tự động gửi báo cáo vị trí tàu cá khi tàu xuất bến, tàu về đến bến; tin nhắn báo cáo vị trí tàu hoạt động trên vùng biển xa tối thiểu là 7 lần trong 7 ngày khác nhau của chuyến biển đề nghị hỗ trợ và trong mỗi ngày hoạt động trên biển phải có ít nhất 1 tin nhắn báo cáo vị trí tàu về hệ thống giám sát tàu cá của Chi cục Thủy sản Bình Định để được xác nhận tàu cá hoạt động khai thác trên các vùng biển xa...”.
Rút ngắn thời gian thẩm định
Theo ông Nguyễn Công Bình, mỗi năm Tổ thẩm định hơn 11.000 hồ sơ tàu cá đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, mỗi đợt thẩm định hơn 1.000 hồ sơ, nên nhiều khi phải hơn một tháng mới xong một đợt. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở NN&PTNT, từ tháng 6.2021, Chi cục Thủy sản đã làm việc với các thành viên trong Tổ thẩm định để thống nhất rút gọn quy trình, thời gian thẩm định để mỗi đợt còn không quá 15 ngày.
Ông Nguyễn Công Bình cho biết: “Thời gian qua, nhiều tàu cá đi vùng biển xa phải chi phí nhiều hơn nhưng sản lượng khai thác thủy sản giảm, lại càng khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, cần được hỗ trợ. Vì vậy, Tổ thẩm định phát huy tinh thần trách nhiệm và phối hợp tốt hơn để mỗi tháng thực hiện được 2 đợt, giải quyết dứt điểm từng đợt không để hồ sơ tồn đọng dồn thêm vào đợt sau”. Trong tháng 7.2021, Tổ thẩm định đã thực hiện 2 đợt cho 2.612 hồ sơ (tổng cộng từ đầu năm đến nay đã thẩm định được 7.335 hồ sơ) trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Theo ngư dân Phan Thanh Tỉnh, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá BĐ 91063-TS, việc thẩm định và thông báo kết quả hồ sơ sớm hơn để ngư dân biết là rất cần thiết, nếu không đạt thì tàu cá chủ động đi chuyến sau để đáp ứng yêu cầu xét hỗ trợ, chứ thẩm định chậm rơi vào thời điểm cuối năm thời tiết bất lợi thì không kịp đi bù, hoặc đến năm sau mới biết chuyến đi năm trước không được hỗ trợ... Trong 6 tháng đầu năm 2021, tàu tôi đã được xét hỗ trợ chi phí nhiên liệu 2 chuyến biển. Thời gian tới, khi việc thẩm định nhanh hơn, hy vọng tàu tôi cũng sớm được hỗ trợ 2 chuyến còn lại theo quy định.
HOÀI THU