Vì sự an toàn
Trong những ngày qua, một lần nữa câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm (MBH) lại trở thành đề tài nóng bỏng của truyền thông và dư luận xã hội. Lý do là chỉ hơn một tháng nữa, một Thông tư liên bộ quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, dự kiến có hiệu lực. Theo đó, các hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng đều sẽ bị phạt nặng.
Thực ra, từ nhiều năm qua, chiếc MBH đã gắn liền với người tham gia giao thông bằng xe mô tô, đã được quy định bằng các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện quy định có tính bắt buộc và hữu ích này đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có đến khoảng 70% MBH hiện đang lưu hành là chưa đạt chuẩn. Tình trạng MBH kém chất lượng được bày bán khá tràn lan và dễ dãi tại rất nhiều nơi là một thực tế mà bất cứ ai cũng dễ dàng kiểm chứng. Ngay tại tỉnh ta, bất cứ ở địa phương nào cũng dễ dàng mua những chiếc MBH giá “bèo” tại các lề đường với giá chỉ đôi ba chục ngàn đồng một chiếc, trong khi theo ước tính của các nhà sản xuất MBH uy tín thì giá thành thấp nhất của một chiếc MBH đạt các yêu cầu đề ra đã không dưới 150.000 đồng. Tuy nhiên, tâm lý đội MBH chỉ để “đối phó” với cảnh sát giao thông là chính trong một bộ phận không nhỏ người đi đường là nguyên nhân chính để MBH kém chất lượng có đất sống và thậm chí ngày càng nở rộ.
Trong vài năm trở lại đây, các số liệu thống kê tai nạn giao thông hàng năm đều cho thấy một tỉ lệ khá lớn các vụ tử vong hoặc tàn phế do chấn thương sọ não có liên quan vấn đề chất lượng của MBH không đảm bảo. Do đó, vấn đề chất lượng của MBH cần phải được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã chuẩn bị phát động một chiến dịch truyền thông diễn ra trên phạm vi toàn quốc và sẽ kéo dài trong 1 tháng (từ ngày 15.3 đến 15.4.2013), nhằm giúp người dân hiểu rõ tác hại của MBH giả và hành vi đội MBH giả cũng bị xử phạt như không đội MBH.
Việc có thêm những văn bản quy định pháp luật để bảo đảm an toàn cho người dân cũng là cần thiết. Nhưng nếu chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng mà không thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, xử lý MBH kém chất lượng thì là một lỗ hổng. Do đó, sau thời điểm 15.4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH giả. Công việc này bước đầu sẽ thực hiện tại các thành phố lớn, sau đó rút kinh nghiệm và thực hiện trên toàn quốc.
Hy vọng, với các quy định chế tài, xử lý và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ cả về nhận thức, quan niệm về việc chấp hành pháp luật liên quan đến chiếc MBH, có hành vi sử dụng nó một cách đúng đắn vì sức khỏe và tính mạng của chính mình.
Ninh An