Kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo môi trường cho kinh tế phát triển
Đến ngày 19.11, khi trên địa bàn ghi nhận tổng cộng 47 ca bệnh Covid-19, trong đó có 21 ca đang điều trị, huyện Tây Sơn quyết định nâng mức phòng, chống dịch lên cao nhất, quyết liệt giám sát và kiểm soát tốt dịch để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH, thực hiện thành công mục tiêu kép.
Tại chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch Covid-19 ở chân đèo An Khê, thuộc xã Tây Thuận, hằng ngày có khá nhiều hành khách từ các chuyến xe thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi tiếp tục hành trình. Từ ngày tái lập chốt (5.11) đến nay, mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt phương tiện qua lại, qua kiểm tra đã phát hiện có 1 trường hợp F0.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh (bên phải) đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ Gò Ku, xã Tây Phú. Ảnh: VĂN PHONG
Ông Nguyễn Phước Thắng, một tài xế xe tải ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chia sẻ: Lực lượng kiểm tra ở đây rất nghiêm ngặt và nhanh nhẹn, từ việc cho dừng xe đến nhắc làm thủ tục khai báo y tế, lấy mẫu đi xét nghiệm… Tôi đã hiểu rõ lợi ích của việc tầm soát nên hợp tác tối đa.
Bên cạnh việc tái lập chốt, UBND huyện Tây Sơn cũng chỉ đạo tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch, nhất là những người về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát tất cả những người đến, về từ các tỉnh, thành phố có số ca mắc Covid-19 cao như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...; tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là các địa phương có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3, 4, các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19.
Ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình, cho biết: Tây Bình là địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất huyện - 14 ca, trong đó có 8 ca đã chữa khỏi. Chúng tôi quán triệt tinh thần không được lơ là, chủ quan mà phải tầm soát, ngăn ngừa dịch lây lan thật tốt để tạo điều kiện thuận lợi cho KT-XH phát triển. Chỉ còn mấy tháng nữa là đến tết, phải tập trung tối đa giữ gìn để sản xuất, kinh doanh.
Theo chỉ đạo của UBND huyện, TTYT huyện Tây Sơn đã sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống khác nhau, theo từng cấp độ của dịch Covid-19, không để bị động; tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị của TTYT huyện, tổ chức đánh giá cấp độ dịch đến phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (thôn, làng, khối phố), lấy đó làm cơ sở để triển khai linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, huyện cũng tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, phổ biến và động viên người dân cài đặt các ứng dụng PC-Covid, Sổ sức khỏe điện tử để tạo thuận lợi trong quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Tính đến ngày 19.11, Tây Sơn đã thực hiện tổng cộng 18 đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 59.861 người, trong đó có 13.209 người đã tiêm đủ 2 mũi. Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Chúng tôi khuyến cáo người dân trong huyện, nếu không có việc thật sự cần thiết thì hạn chế di chuyển đến các địa phương đang có diễn biến dịch Covid-19 phức tạp; nghiêm túc thực hiện quy định 5K; tích cực cung cấp thông tin cho ngành y tế hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế hoặc các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Đây là nền tảng hết sức quan trọng để các hoạt động sản xuất kinh doanh có thể diễn ra bình thường.
VĂN PHONG