Quy định số 41-QÐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức: Góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Quy định mới về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ sẽ góp phần hoàn thiện công tác quản lý cán bộ, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Quy định số 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3.11.2021, thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2.10.2009 “về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ lấy phiếu theo quy định là một trong những căn cứ để xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
- Trong ảnh: Kiểm tra phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP Quy Nhơn bầu tại một kỳ họp của HĐND thành phố (ảnh minh họa). Ảnh: M.L
Theo ông Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị ban hành quy định mới về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ thay thế Quy định số 260-QĐ/TW nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, khắc phục những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; cập nhật đầy đủ các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.
Nội dung của Quy định số 41-QĐ/TW có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn, lượng hóa, sát với thực tế hiện nay hơn so với Quy định số 260-QĐ/TW và các quy định khác về việc từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý của Đảng và Nhà nước.
Quy định số 41-QĐ/TW gồm 4 chương, 12 điều; quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Phát biểu tại Hội nghị Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2021 được tổ chức đầu tháng 11.2021, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết việc ban hành Quy định số 41-QĐ/TW là một trong những bước đi cụ thể để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
“Việc thực hiện các quy định về miễn nhiệm, từ chức sẽ cơ động, linh hoạt hơn. Sắp đến sẽ có những cán bộ đầu tiên bị miễn nhiệm theo Quy định số 41-QĐ/TW. Bộ Chính trị cũng khuyến khích cán bộ tự thấy năng lực của mình không đáp ứng được yêu cầu của công việc có thể từ chức, tạo điều kiện cho người khác thay thế, cống hiến”, bà Mai nói.
Theo đó, về miễn nhiệm đối với cán bộ, cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.
Việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào 1 trong 6 trường hợp: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm. Cuối cùng là bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
Bên cạnh đó là quy định về việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào 1 trong 4 trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Tính nhân văn trong công tác cán bộ
Theo Quy định số 41-QĐ/TW, cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, bố trí lại cán bộ sau khi từ chức là điểm mới đáng chú ý, thể hiện tính nhân văn trong công tác cán bộ của Đảng. Trên thực tế, không hiếm những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao không phải do ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức kém; có khi do công việc không phù hợp năng lực, sở trường, điều kiện cá nhân trong một thời điểm cụ thể.
NGUYỄN VĂN TRANG