Phòng chống doping trong thi đấu thể thao: Ðừng “chết” vì thiếu hiểu biết
Theo thông báo từ Tổng cục TDTT, tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2021 (diễn ra từ đầu tháng 12), Ban tổ chức sẽ tiến hành lấy mẫu thử doping của VĐV. Thực ra, ngay từ đầu năm nay, Tổng cục TDTT đã ra thông báo sẽ kiểm tra doping đối với VĐV tham gia các giải vô địch quốc gia trong năm. Động thái này nhằm kịp thời triển khai các biện pháp loại bỏ doping và tạo sự công bằng, trung thực trong thi đấu thể thao. Bên cạnh đó, đây cũng được coi là bước chuẩn bị cho SEA Games 31 diễn ra vào tháng 5.2022, khi Việt Nam đăng cai sự kiện này.
Trên thực tế, từ nhiều năm qua, công tác phòng chống sử dụng chất cấm (doping) trong thể thao đã được đề cập. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng chủ yếu là các VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia, tham gia tranh tài ở các giải khu vực và thế giới. Ở các giải đấu trong nước, công tác kiểm tra doping hầu như chỉ mới là dự kiến, kế hoạch chứ chưa thực sự triển khai. Cũng vì lý do này mà kiến thức về phòng chống doping của HLV, VĐV các địa phương còn khá khiêm tốn. Nói cách khác, rất nhiều HLV lâu nay vẫn không coi đây là nội dung đáng quan tâm khi dẫn học trò đi thi đấu. Việc sử dụng các loại thuốc tăng cường sức khỏe, thuốc bổ hoặc thuốc điều trị bệnh cho VĐV đều chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc tham khảo trong giới HLV với nhau. Và những loại thuốc đó có nằm trong danh mục cấm sử dụng trong thể thao hay không cũng rất ít HLV biết rõ.
Trên thế giới, hầu như năm nào cũng có trường hợp VĐV chịu án kỷ luật vì sử dụng doping. Đã có một số quốc gia bị áp đặt lệnh cấm tham dự các giải đấu lớn vì vi phạm quy định phòng chống doping. Thể thao Việt Nam cũng không ít lần nhận án phạt vì có VĐV sử dụng chất cấm. Chưa thể kết luận đó là vô tình hay hữu ý, nhưng các án phạt đó đều tác động rất xấu đến hình ảnh thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Nhìn lại thể thao Bình Định, công tác phòng chống doping lâu nay vẫn chưa được đặt ra một cách nghiêm túc, nên nguy cơ sẽ là không nhỏ nếu công tác lấy mẫu, xét nghiệm tại các giải đấu được triển khai đồng loạt. Vì vậy, ngành Thể thao tỉnh cần có kế hoạch phổ biến những kiến thức cơ bản về chất cấm sử dụng trong thể thao đối với HLV, VĐV để tránh nhận phải những án phạt “oan uổng” chỉ vì thiếu hiểu biết!
LÊ NA