Đại võ sư Năm Tạo: Một đời tâm huyết nghiệp võ
May mắn kế thừa tinh hoa từ những người thầy nổi danh ở vùng đất võ Tây Sơn, trong phần lớn thời gian của cuộc đời, đại võ sư Năm Tạo dốc sức truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò, phát triển phong trào ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Sinh ra ngay cái nôi của võ cổ truyền - thôn Háo Nghĩa, xã Tây An, huyện Tây Sơn - Năm Tạo (tên thật là Tân Tạo) sớm được lĩnh hội những đường quyền, thế võ của các võ sư: Xã Nung, Năm Củng, Cả Thự. Và chính như ông từng thừa nhận, người có ảnh hưởng lớn nhất với nghiệp võ của mình là cố võ sư Hồ Ngạnh. Không chỉ được truyền đạt những đường roi điêu luyện đã thành “thương hiệu”, Năm Tạo còn tiếp thu từ vị võ sư này nhiều kiến thức về võ lý và tinh thần võ đạo.
Không chỉ trực tiếp truyền dạy những tuyệt kỹ võ cổ truyền cho nhiều thế hệ học trò, đại võ sư Năm Tạo còn có nhiều ý kiến đóng góp quý báu trong việc bảo tồn và phát huy tinh hoa võ cổ truyền Việt Nam. Ảnh: MINH VỸ
Năm 1959, khi vừa tròn 26 tuổi, Năm Tạo rời Tây Sơn lên Kon Tum lập nghiệp. Với vốn kiến thức thu nhận được tại quê nhà, ông mở võ đường, thu nhận đệ tử. Vui vẻ, hoạt bát ở ngoài đời, nhưng đại võ sư Năm Tạo rất nghiêm khắc với học trò. Ông khắt khe trong việc nhận đệ tử, và luôn yêu cầu các võ sinh của mình phải thực hiện nhiều lần các động tác để trở nên thuần thục, chính xác. Chính ông từng chia sẻ, võ thuật chủ yếu hơn nhau ở tốc độ ra đòn, cũng vì vậy mà việc tập luyện phải được duy trì thường xuyên để các đòn được nhanh, mạnh, chính xác.
Võ sư Năm Phương (Hội Võ thuật TX An Nhơn) chia sẻ: “Tôi không được học trực tiếp từ sư ông Năm Tạo, nhưng qua những gì sư phụ Năm Chấn (học trò của đại võ sư Năm Tạo - PV) truyền dạy, có thể thấy rằng sư ông là người am tường cả thập bát ban binh khí lẫn các đòn thế trong thi đấu đối kháng. Đặc biệt, các đòn chỏ, gối của ông rất lợi hại và biến hóa”. Nhờ kế thừa và phát huy tốt những tố chất của môn phái Năm Tạo, võ đường Năm Phương đã đào tạo nên nhiều võ sĩ xuất sắc, thi đấu nổi bật ở các giải cấp tỉnh, trong đó đáng kể nhất là đoạt cờ dành cho CLB xuất sắc tại Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2013.
Bôn ba ở các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm, từ Kon Tum sang Gia Lai, đại võ sư Năm Tạo đã góp phần giúp phong trào võ cổ truyền nơi đây phát triển mạnh mẽ. Với mong muốn được giao lưu, học hỏi cùng bạn bè trên cả nước, bản thân ông cũng tham gia thi đấu nội dung hội thi ở các giải võ cổ truyền vào những năm 90 của thế kỷ trước. Ông lập kỷ lục là VĐV cao tuổi nhất giành được huy chương ở giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 1997, khi đã 64 tuổi.
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Quyền Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Dẫu lập nghiệp và sinh sống xa quê hương, nhưng hầu hết các sự kiện võ thuật lớn của tỉnh Bình Định đều hiếm khi vắng mặt đại võ sư Năm Tạo. Không chỉ góp phần động viên phong trào, ông còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu về chuyên môn. Trong đó, một trong những trăn trở lớn nhất của đại võ sư Năm Tạo là làm sao giữ gìn nguyên vẹn những nét tinh hoa, đặc trưng riêng của võ cổ truyền Việt Nam nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng”.
Những người từng gặp đại võ sư Năm Tạo đều dễ dàng nhận ra ở ông sự thân thiện, gần gũi và hoạt bát. Tuổi cao, nhưng tác phong của ông rất nhanh nhẹn, lúc trò chuyện thường lồng ghép những câu chuyện vui, làm không khí thêm phần rôm rả. Trong dịp về dự giỗ tổ võ đường Hồ Ngạnh đầu năm 2020, bản thân tôi đã phải nhận cái bắt tay… “đau điếng” đã thành “thương hiệu” của “ông già tinh nghịch” này. Khi đó, tôi đã cảm thấy rất vui vì ông già gần 90 tuổi mà còn khỏe vậy, hẳn sẽ còn gắn bó với các hoạt động võ thuật trong nhiều năm nữa, nào ngờ… nhận được tin ông đã “về sum họp với sư phụ Hồ Ngạnh” trưa 27.11 (23.10 âm lịch).
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, bùi ngùi: “Sự ra đi của đại võ sư Năm Tạo là mất mát lớn của nền võ thuật Việt Nam, bởi ông là người góp công rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những tinh hoa võ thuật ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
HOÀNG QUÂN