Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý hộ tịch
Đăng ký, quản lý hộ tịch là công tác có ý nghĩa quan trọng đối với người dân và quản lý nhà nước. Công tác này cần được thường xuyên tăng cường, hoàn thiện về thể chế để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Nâng cao nhận thức
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2021 (sau đây gọi là Chương trình) đã tác động tích cực đối với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, tạo nên khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh để thực hiện và đạt những mục tiêu về đăng ký khai sinh, kết hôn và khai tử. Phương thức đăng ký hộ tịch dần chuyển sang hiện đại với việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc“.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) giải quyết thủ tục hành chính về hộ tịch. Ảnh: S.L
Kết quả nổi bật nhất là tỷ lệ đăng ký khai sinh được nâng cao; theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,8% (vượt chỉ tiêu của Chương trình đề ra đến năm 2020 là 97%). Người dân ngày càng ý thức được sự cần thiết phải thực hiện đăng ký khai tử, số lượng thực hiện đăng ký khai tử tăng hằng năm.
Tại Bình Định, đăng ký khai sinh, khai tử là những thủ tục hành chính phổ biến trên lĩnh vực hộ tịch ở các địa phương. Từ ngày 1.1 đến 31.10.2021, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký khai sinh cho 1.299 trường hợp, đăng ký khai tử 368 trường hợp. UBND các phường, xã trên địa bàn TP Quy Nhơn đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký khai sinh cho 3.801 trường hợp, đăng ký khai tử 1.574 trường hợp.
Vẫn còn bất cập
Bên cạnh nhiều chuyển động tích cực, quá trình thực hiện Chương trình nói chung, Luật Hộ tịch nói riêng còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, Luật Hộ tịch chưa quy định cụ thể như thế nào là “định cư ở nước ngoài”, gây khó khăn trong việc phân định thẩm quyền giữa UBND cấp xã và cấp huyện. Về đăng ký khai sinh, Luật Hộ tịch không quy định công dân được cấp lại bản chính giấy khai sinh, gây khó khăn cho công dân, bởi một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu có bản chính để đối chiếu. Mặt khác, tâm lý của người dân luôn muốn có bản chính giấy khai sinh, nhu cầu cấp lại bản chính giấy khai sinh của người dân là rất cần thiết.
Ông Ngô Đình Nam - Trưởng Phòng Tư pháp TP Quy Nhơn cho rằng, từ thực tiễn giải quyết, các việc hộ tịch luôn phát sinh hết sức đa dạng, phức tạp, các sự kiện hộ tịch thường xuyên xảy ra (như việc sinh, việc xác nhận tình trạng hôn nhân, việc tử, việc thay đổi họ tên…) nhưng lại có nhiều tình tiết phức tạp, nhạy cảm mà Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành chưa dự liệu và chưa có quy định điều chỉnh. Do đó, yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân ở một số địa phương vẫn nảy sinh vướng mắc chưa thể giải quyết. Đơn cử, đối với những trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế theo quy định, việc vận dụng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là những trường hợp chết cách đây rất lâu năm, nhân thân người chết không còn bất cứ một loại giấy tờ gì và nhân chứng cũng không còn.
Hoàn thiện thể chế, đầu tư nhân lực
Từ những bất cập trong thực tiễn triển khai, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực đăng ký và thống kê hộ tịch, nhằm bảo đảm khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này thường xuyên được cập nhật, hoàn thiện, hướng đến đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng để triển khai thực hiện tích cực, sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực hộ tịch, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến phương thức đăng ký hộ tịch. Đồng thời, tăng cường việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, đặc biệt là thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, bảo đảm thuận lợi cho người dân, thích ứng linh hoạt với bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai...
Về phía địa phương, bà Châu Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết Sở sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực, chủ động hơn trong hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch; áp dụng đồng bộ các giải pháp (tuyên truyền, vận động nhân dân, đăng ký hộ tịch lưu động...) để nâng cao nhận thức hơn nữa về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn phối hợp, có giải pháp xác định chính xác tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử.
Bên cạnh đó là thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, bảo đảm đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của Luật Hộ tịch; kiên quyết không tuyển dụng, bố trí công chức tư pháp - hộ tịch không đúng quy định. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; quan tâm, bố trí công chức tham gia đầy đủ, nghiêm túc các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ hộ tịch do Bộ Tư pháp tổ chức để kịp thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ mới của Bộ Tư pháp cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch.
SAO LY