Góp ý hoàn thiện Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất
Ngày 10.12, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh. Hội nghị có sự tham gia của đại diện một số tổ chức thành viên, chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, hội đồng tư vấn của Mặt trận...
Các đại biểu, chuyên gia đã thống nhất cao Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh. Ông Trương Quang Hiển, Trưởng Bộ môn Địa lý - Quản lý Tài nguyên Môi trường Trường ĐH Quy Nhơn, nhận định: Nhìn chung bản Dự thảo có ý nghĩa thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, ông thống nhất với nhiều điều, khoản như khoản 1 Điều 5 quy định về các trường hợp không được tách thửa; khoản 3 Điều 6 về quy định diện tích tối thiểu của một thửa đất phi nông nghiệp được tách thửa; Điều 7 về xử lý một số trường hợp về tách thửa, hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Quan tâm đến khoản 3 Điều 3 “các thửa đất ở, đất phi nông nghiệp được hình thành từ việc tách thửa phải giáp đường giao thông hiện hữu; đối với đất nông nghiệp thì có đường đi vào sản xuất nông nghiệp”, ông Võ Thanh Tín, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn tỉnh cho rằng: “Không nhất thiết các thửa sau khi tách phải giáp với đường giao thông hiện hữu. Vì việc tách thửa được thực hiện sau khi có bản vẽ mặt bằng tách thửa được UBND các huyện, thị xã, thành phố chấp thuận và phê duyệt. UBND cấp huyện rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (gồm: Giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, môi trường), hạ tầng xã hội, căn cứ quy định pháp luật để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp quy hoạch, kết nối hạ tầng giao thông chung của khu vực. Để thực hiện quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo bản vẽ mặt bằng tách thửa đã được phê duyệt, được UBND cấp huyện nghiệm thu, xác nhận hoàn thành”.
Cùng quan tâm vấn đề này, ông Nguyễn Hiến, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh bàn về thực tế có nhiều trường hợp gia đình đông con, vì điều kiện kinh tế khó khăn muốn tách thửa để chia cho các con hoặc bán một phần đất để dưỡng già, chữa bệnh… Tuy nhiên, việc tách thửa chỉ thỏa mãn về điều kiện kích thước và diện tích của thửa đất nhưng không đáp ứng được điều kiện tiếp giáp với đường đi. “Trong trường hợp sau khi chia tách đảm bảo yêu cầu về kích thước, diện tích, người dân chừa lại một phần diện tích của thửa đất ban đầu để làm lối đi chung thì có được giải quyết theo quy định này không? Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm “đường đi vào sản xuất nông nghiệp””, ông Hiến trao đổi.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Phòng TN&MT TP Quy Nhơn chia sẻ về một số ví dụ về hợp thửa, tách thửa đã phát sinh trong thực tế để các cơ quan biên soạn nghiên cứu thêm. Chẳng hạn, sau giải phóng mặt bằng, hai hộ ở sát nhà nhau chỉ còn diện tích đất 18 m2 và 20 m2. Một hộ có ý định mua phần của người còn lại để xây dựng lại nhà ở. Cách hợp thửa này không đảm bảo yêu cầu diện tích tối thiểu là 40 m2 (khu vực đô thị) nhưng lại rất thỏa đáng trong thực tiễn để giải quyết chỗ ở cho người dân.
Một số đại biểu đã góp ý về việc cần cân nhắc, dựa vào tình hình KT-XH của địa phương để đảm bảo tính thực thi, tính phù hợp của quy định. Ngoài ra, các cá nhân, chuyên gia đề nghị cơ quan biên soạn dự thảo cần sắp xếp, trình bày bốcục các Chương, Điều rõ ràng, hợp lý hơn; cần bổ sung thêm phần Giải thích từ ngữ quan trọng... Đối với trường hợp tách từ 1 thửa đất thành 4 thửa đất, thời hạn có văn bản trả lời của UBND cấp huyện là 4 ngày tương đối ít, các đại biểu đề nghị nên nghiên cứu thêm để đảm bảo thực hiện kịp thời.
Đại diện cơ quan soạn thảo quy định, ông Trần Kỳ Quang, PhóGiám đốc SởTN&MT cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu các góp ý, dựa trên quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tế của địa phương để tiếp tục hoàn thiện dự thảo.
NGUYỄN MUỘI