Tổ chức thi hành án đúng quy định, phù hợp với tình hình dịch Covid-19
Đó là yêu cầu được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đặt ra tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2022 do Cục Thi hành án dân sự tỉnh tổ chức ngày 22.12.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cho biết: Năm 2021, hoạt động của ngành THADS tỉnh đạt nhiều kết quả thiết thực. Cụ thể, về công tác THADS, đã thi hành xong 82,5% tổng số vụ việc có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu Tổng cục THADS giao 0,06%); về tiền, đạt tỷ lệ 46,2% tổng số tiền thụ lý có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu 6,1%). Công tác theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm, năm 2021 toàn tỉnh thực hiện theo dõi 18 vụ việc, kết quả theo dõi xong 6 vụ việc, đang theo dõi 12 vụ việc.
Các cá nhân ngành THADS tỉnh nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp. Ảnh: KHẢI THƯ
Đồng thời, ngành đã triển khai thực hiện tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ; công tác kiểm tra được đặc biệt chú trọng và thường xuyên thực hiện. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc. Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác phối hợp trong THADS được quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp còn kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. “Kết quả thi hành các vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng còn thấp; có vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản, do phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án”, ông Vinh thông tin thêm.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án của các cơ quan THADS trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tài sản đã kê biên nhưng chưa xử lý được, do tính pháp lý đối với một số tài sản thế chấp chưa rõ ràng; phải xử lý tài sản trên đất trước khi xử lý quyền sử dụng đất thế chấp. Tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất giữa thực tế và giấy tờ có sự khác nhau cơ bản về hiện trạng, diện tích; đất đang có tranh chấp hoặc một phần diện tích đất thế chấp nằm trong phần quy hoạch, mở rộng hành lang đường bộ không thể xử lý.
Phối hợp chặt chẽ trong thi hành án
Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu ngành THADS tỉnh có phương án, giải pháp tổ chức thi hành án hợp lý, đúng quy định, phù hợp với tình hình dịch Covid-19; phấn đấu thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu được giao; có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, kịp thời báo cáo, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan nhà nước là người phải thi hành án nhưng không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đảm bảo thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các quy chế phối hợp, nhất là Quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan: CA, TAND, Viện KSND và các ngành có liên quan; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất biện pháp để giải quyết triệt để.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác THADS, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, UBND cấp xã ở địa phương phối hợp trong công tác THADS. Đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương mình, cần kịp thời tổ chức họp Ban Chỉ đạo THADS bàn phương án, chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp giải quyết.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, Trưởng Ban Chỉ đạo THADS thành phố, quan điểm chỉ đạo chung phải xác định THADS là việc khó, nhiều vụ việc Tòa án đã ban hành bản án, nhưng đối tượng không chấp hành.
“Có vụ việc hồ sơ thế chấp gọn trơn, nhưng thực tế nhà xây 5 tầng không phải trên một thửa đất, mà lấn bên này, lấn bên kia, xử lý rất phức tạp. Do đó, quá trình thi hành án phải gắn kết với địa phương, dùng mọi mối quan hệ để tác động đến đối tượng. Khi tuyên truyền, giải thích, vận động thất bại, phương án cuối cùng mới dùng đến cưỡng chế với những đối tượng cố tình chây ỳ”, ông Nam chia sẻ.
KHẢI THƯ