XE KINH DOANH VẬN TẢI LẮP CAMERA GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH:
Quy định bắt buộc, phải chấp hành!
Từ ngày 1.1.2022, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo nếu không lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh quá trình xe di chuyển sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Việc lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên được Chính phủ quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17.1.2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, bắt buộc phải thực hiện trước ngày 1.7.2021. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Chính phủ đã cho phép DN vận tải lùi thời hạn lắp camera đến ngày 31.12.2021.
Tỷ lệ xe lắp đặt camera thấp
Chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn lắp đặt camera giám sát đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa nhưng tại Bình Định, số phương tiện đã lắp đặt chưa tới 20%. Toàn tỉnh hiện có 582 đơn vị kinh doanh vận tải với 3.120 phương tiện phải lắp camera theo quy định. Anh Trần Quang, chủ một DN kinh doanh vận tải hàng hóa với 20 xe đầu kéo trên địa bàn TP Quy Nhơn, đang tất bật hoàn thành việc lắp camera cho các phương tiện, chia sẻ: “Chi phí lắp camera từ 6 - 8 triệu đồng/xe. Trong thời điểm dịch bệnh, kinh tế khá khó khăn nên tôi chia ra nhiều đợt, cố gắng sẽ lắp đặt xong cho 20 xe trước ngày 31.12.2021. Đã là quy định thì phải tuân thủ, chứ chần chừ để rồi bị phạt thì còn khổ hơn”. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tý (huyện Phù Mỹ), chủ một DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến liên tỉnh, cho biết: “Tôi có hơn chục đầu xe khách và cũng đã lắp camera giám sát hành trình được phân nửa. Hiện dịch bệnh phức tạp nên các xe chỉ chạy cầm chừng”.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân số lượng xe lắp camera trên địa bàn tỉnh còn thấp là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 599 xe khách thuộc đối tượng phải lắp camera nhưng đã không hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. “Sở đã nhiều lần tuyên truyền, đôn đốc các chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương lắp camera theo tiến độ quy định. Song hiện có nhiều đơn vị đã giải thể, nộp lại giấy phép kinh doanh”, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT, cho biết.
Kiên quyết xử lý
Theo Sở GTVT, để bảo đảm thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thời gian qua, Sở đã gửi gần chục thông báo đến các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, yêu cầu khẩn trương thực hiện theo quy định. Hiện nhiều DN đang dồn lực để lắp đặt. “Sau ngày 31.12.2021, đơn vị kinh doanh vận tải nào không lắp camera trên xe theo các quy chuẩn hiện hành, thì sẽ không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải. Sở sẽ xem xét việc thu hồi phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải cũng như xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Từ ngày 1.1.2022, Thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện lắp camera mà không làm hoặc có lắp nhưng không hợp quy”, ông Dũng cho biết thêm.
Có thể nói, việc lắp camera giám sát hành trình cho xe tải nặng và xe khách từ 9 chỗ trở lên là hết sức cần thiết, nhất là khi tình hình TNGT liên quan đến xe tải nặng và xe khách vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhiều tỉnh, thành đang tăng tốc phục hồi kinh tế, nhu cầu đi lại dịp tết Nguyên đán tăng cao.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, DN vi phạm trong thực hiện quy định lắp đặt camera giám sát hành trình khá cụ thể. Theo đó, đối với lái xe, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng; đối với DN, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.
KIỀU ANH